Israel-Hamas tung hỏa lực, vì sao Nga chưa hành động?
Khi xung đột ở Gaza leo thang, điện Kremlin đã có sự cân bằng thận trọng để duy trì và mở rộng mạng lưới lợi ích phức tạp ở Trung Đông, theo National Interest.
Những ngày qua, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vẫn bị kẹt trong cuộc chiến ngày càng rắc rối với Hamas. Xung đột Gaza bùng nổ trở lại đã thu hút sự quan tâm rộng rãi, nhưng ít có giải pháp hiện hữu từ cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Joe Biden - bị ràng buộc bởi cam kết an ninh hàng thập kỷ với Israel - đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc hình thành một lập trường cụ thể ngoài việc kêu gọi chấm dứt giao tranh. Trong khi đó, Moscow đang đứng trước những lựa chọn khó khăn của riêng mình.
Trong những nỗ lực không ngừng nhằm khẳng định hơn nữa vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới Hồi giáo, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng cộng đồng quốc tế phải “cho Israel một bài học răn đe và mạnh mẽ”.
Theo một tuyên bố báo chí do Ankara đưa ra, ông Erdogan cũng đã ấp ủ ý tưởng về một “lực lượng bảo vệ quốc tế để che chắn cho người Palestine” trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về phần mình, Điện Kremlin đang bước đi khẽ khàng hơn tất cả. Tổng thống Putin - người đã rất nỗ lực trong việc xây dựng quan hệ đối tác khu vực kể từ khi bước vào cuộc chiến Syria - đã do dự trong việc ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào từ bên ngoài có thể mang tính chất thù địch với Israel.
Đồng thời, Nga - trái ngược với Mỹ và Liên minh Châu Âu - không coi Hamas là một tổ chức khủng bố và trước đây từng gặp mặt các phái đoàn của phong trào này để thảo luận về các nỗ lực hòa bình.
Do có tiếng nói trong khu vực và sự tín nhiệm của cả hai bên, Moscow cho rằng mình có vị thế duy nhất để ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine.
Dmitry Maryasis, thành viên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, nói với hãng truyền thông Lenta rằng: “Nga hướng đến quan hệ hữu nghị với cả hai bên xung đột. Nếu tận dụng các mối liên hệ này một cách tinh tế, Nga có thể củng cố vị thế”.
Tuy nhiên, Điện Kremlin không có mong muốn cũng như không có phương tiện để chủ động xây dựng và áp đặt các điều khoản hòa bình ở Gaza. Thay vào đó, Moscow tìm cách đặt ảnh hưởng lên một thỏa thuận hòa bình do một nhóm công tác gồm các cường quốc và tổ chức quốc tế làm trung gian.
Giải pháp của Nga trong xung đột Palestine- Israel
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Bộ tứ Trung Đông, bao gồm Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga, để giải quyết cuộc khủng hoảng Gaza.
Để phù hợp với trọng tâm của chủ nghĩa đa phương ở Trung Đông, Bộ Ngoại giao Nga đề xuất mở rộng Bộ tứ sang một định dạng mới “4 + 4 + 2 + 1”; nghĩa là bốn thành viên ban đầu, cộng với Ai Cập, Jordan, UAE và Bahrain, cộng với Israel và Palestine, cuối cùng là Saudi Arabia.
Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất tích trong định dạng đề xuất mới của Nga, điều có lẽ phản ánh thực tế rằng Moscow - không giống như Ankara - không tìm cách áp đặt một nền hòa bình theo hướng trừng phạt đối với Israel.
Sự vắng mặt của Thổ Nhĩ Kỳ cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ liên quan đến việc Ankara tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan trong xung đột Nagorno Karabakh mới đây.
Tổng thống Erdogan đầu tuần trước cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ Palestine mạnh mẽ như “cuộc chiến của Azerbaijan nhằm giải phóng Nagorno-Karabakh”, đồng thời nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không khoan nhượng với “sự hiếu chiến của Israel” ngay cả khi “cả thế giới nhắm mắt làm ngơ”.
Khi tham gia vào tiến trình hòa giải Palestine-Israel phức tạp, Moscow tiếp tục tham vấn với các đặc phái viên của Palestine. Đại sứ Palestine tại Moscow, Abdel Hafiz Nofal tự tin rằng Nga có thể truyền đạt lợi ích của Palestine đến Israel.
“Những người bạn Nga hiểu lập trường của chúng tôi”, Nofal nói. “Nga bảo vệ lợi ích của chúng tôi. Giống như đại sứ Jordan từng nói, Nga thích mối quan hệ bền chặt với Israel, Nga có thể ảnh hưởng đến Israel”.
Cho dù chính xác hay không, đánh giá của đại sứ Nofal có thể được hiểu là một dấu hiệu hy vọng cho những nỗ lực gỡ rối đang diễn ra; Nhiều khả năng phía Palestine sẽ đi đến bàn thương lượng và chấp nhận kết quả của các cuộc đàm phán trong tương lai nếu họ tin rằng lợi ích của mình đang được đại diện.