Kể chuyện văn hóa lịch sử qua ứng dụng cổ phục Việt

Trần Hòa |

Thời gian gần đây, cổ phục Việt được nhắc đến như một đặc trưng của văn hóa truyền thống có sức lan tỏa toàn diện.

Sức lan tỏa của cổ phục Việt được chứng minh không chỉ trong vấn đề ngoại giao. Từ sân khấu, điện ảnh, lễ cưới, cho đến các diễn đàn mạng xã hội cũng lan toả nét đẹp - cùng sự xuất hiện của nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu, hình thành các thương hiệu cổ phục.

Tìm lại thứ đã mất

Kể chuyện văn hóa lịch sử qua ứng dụng cổ phục Việt - Ảnh 1.

Áo Bình Lĩnh dành cho nhất phẩm phu nhân – hình ảnh triển lãm 'Trang phục người Việt thời Nguyễn' của NTK Nga Nguyễn.

Gõ từ khóa “Việt phục”, chỉ trong vòng 0,43 giây – Google đã cho ra 274 triệu kết quả. Và nếu dùng từ khóa “cổ phục Việt” thì chỉ 0,63 giây đã có tới 162 triệu kết quả (có thời điểm cho ra 302 triệu kết quả tìm kiếm chỉ trong 0,92 giây).

Điều này phần nào cho thấy sự quan tâm rất lớn của người Việt đối với trang phục dân tộc mình.

Tuy vậy đến nay vẫn chưa có khái niệm đồng nhất về cổ phục Việt Nam, mà chỉ có thể hiểu chung khi nói về trang phục truyền thống - như áo giao lĩnh, áo Nhật Bình, áo ngũ thân.

Một số chuyên gia văn hóa và thời trang lại gọi tóm gọn là “Việt phục” để tương ứng với khái niệm quốc tế, như: Hàn phục (Hanbok - Hàn Quốc), Hán phục (Trung Quốc) và Hòa phục (Nhật Bản).

Xu hướng truyền thống hóa nghệ thuật cổ phục khởi phát mạnh mẽ từ đầu năm 2019 với hàng loạt cuộc biểu diễn, trưng bày, triển lãm, workshop của giới nghệ sĩ liên quan các lĩnh vực thời trang và sân khấu. Tuy nhiên, ít có dự án nào quy mô, mang tính dài hơi và có chiến lược quảng bá lan toả mạnh mẽ.

Mới đây, các bạn trẻ yêu thích cổ phục nhóm Vạn Thiên Y đã có cách làm gây ngạc nhiên. Dù chỉ mới thành lập cách đây vài tháng nhưng show trình diễn nghệ thuật “Kế vãng khai lai” tổ chức tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã khiến giới thời trang phải nhìn người trẻ với con mắt khác.

Gần 60 mẫu trang phục thuộc 3 bộ sưu tập: Kí mộng, Đồ ứng dụng, Vân Long lưu vũ - như những “đoạn nối chương hồi” kể về dòng chảy của trang phục truyền thống cùng những ứng dụng rất xa xưa của cha ông ta trong việc thẩm mỹ hóa “cái ăn, cái mặc”.

Bộ sưu tập cổ phục “Kí mộng” được xem là hành trình ghi lại giấc mơ huyền ảo, khơi lại các giá trị bị quên lãng. Tuy là một giấc mơ, nhưng người làm thời trang đã hiện thực hóa bằng việc nghiên cứu và đưa ra các mẫu cổ phục, đảm bảo căn cứ khoa học cũng như thẩm mỹ.

Bộ sưu tập “Đồ ứng dụng” lại là những thiết kế có tính ứng dụng thực tế. Các chi tiết hoa văn họa tiết cổ được đưa vào thời trang hài hoà với yêu cầu mỹ thuật. Bởi vậy mà hình tượng rồng được tận dụng để kết hợp với sự hoà hợp của chất liệu và phong cách hiện đại.

Còn “Vân Long lưu vũ” lại được ví như một bản hùng ca lẫm liệt, uy nghi của linh vật rồng. Ứng dụng hoa văn họa tiết này được nhóm nghiên cứu tìm hiểu các hình tượng khác nhau của rồng các triều đại: Lý, Trần, Lê… để thể hiện vẻ đẹp bí ẩn, quyền lực, nữ quyền của phụ nữ hiện đại.

Tạo “lối đi” trở về quá khứ

Kể chuyện văn hóa lịch sử qua ứng dụng cổ phục Việt - Ảnh 3.

Đôi bạn trẻ diện cổ phục Việt trong đám cưới tại Hà Nam.

Người sáng lập Vạn Thiên Y - chị Nguyễn Thị Nga cho biết, tái hiện phục trang cổ thì chất liệu luôn là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế đội ngũ nghiên cứu đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về các loại chất liệu vải vóc.

Một trong các hiện vật vải vóc khiến những người nghiên cứu ấn tượng nhất là các mẫu vải dệt vào thế kỷ 18, từng được phát hiện năm 1982 trong lăng mộ của quan Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh (Hưng Yên).

Từ những nghiên cứu ấy, Vạn Thiên Y đã cùng một số chuyên gia khơi lại dòng chảy thời gian, đem đến những câu chuyện văn hóa lịch sử thú vị, để cùng nhau bảo tồn và tiếp tục phát triển nghệ thuật thời trang truyền thống theo hướng mới có tính bền bỉ hơn.

Việt Nam là đất nước giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nhưng lại chậm hình thành cổ phục, bởi dữ liệu người xưa để lại quá ít ỏi. Trong các tư liệu lịch sử, trang phục là khoảng trống lớn nhất.

Đa số các triều đại đều rất hiếm để lại các di sản trang phục, kể cả các miêu tả sách vở. Có chăng nữa, miêu tả ấy lại rơi đúng vào thời kỳ 10 năm đô hộ của nhà Minh.

“Cùng việc nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, điều đặc biệt là chúng tôi tìm cách ứng dụng những nét văn hóa truyền thống vào các thiết kế mang hơi thở thời đại. Đưa nét đẹp đó vào thời trang, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để khẳng định sự đa dạng của văn hóa và mỹ thuật Việt Nam”, nhà thiết kế Trần Quốc Anh - Giám đốc sáng tạo Vạn Thiên Y.

Năm 2010, khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra, một số nhóm nghiên cứu phát động phong trào cổ phục. Phong trào không hoàn toàn thất bại, nhưng không nhen nhóm được niềm yêu thích cổ phục trong cộng đồng giới trẻ. Vài năm sau, một số nhóm xuất hiện với vai trò thiết kế cổ phục dành cho các dịch vụ cưới hỏi, chụp ảnh lưu niệm… được quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Từ đầu năm 2020, nhiều clip và MV ca nhạc với hình ảnh ca sĩ, diễn viên mặc cổ phục đẹp mắt xuất hiện. Nghệ sĩ diện cổ phục từ cung đình đến thường dân với các trích đoạn cổ tích đã phần nào thuyết phục được những người khó tính trong quan niệm về ăn mặc.

Sau đó, bộ ảnh cưới diện cổ phục Nhật Bình và áo tấc của hai bạn trẻ ở Hà Nam cũng đem lại hiệu ứng đặc biệt. Cô dâu đẹp quý phái trong trang phục Hoàng hậu, Hoàng Quý phi - lễ phục của các bậc từ Nhất giai phi đến Tứ giai tần của triều đình nhà Nguyễn.

Một số trường đại học cũng kết hợp với nhóm nghiên cứu tổ chức các buổi biểu diễn, trưng bày, nói chuyện về cổ phục. Trong đó, có ĐH Quốc gia TPHCM với chương trình “Ngày hội Việt phục Tóc xanh - Vạt áo”. Một số nhóm như: Ỷ Vân Hiên, Cổ phong, Thiên Nam lịch đại hậu phi… cũng thường diễn ra các buổi diễn, mặc thử cổ phục…

Cho đến nay, diện cổ phục Việt dù chưa thành phong trào, cũng chưa hình thành được quy tắc chung của “Việt phục”, nhưng người trẻ yêu cổ phục đã và đang tạo một “lối đi” để cộng đồng trở về quá khứ, thấy được nét đẹp của nghìn năm áo mũ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại