Trong đề án dài 7 trang, ông Hà phân tích cụ thể thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan như: Mật độ dân số quá cao; Hệ thống giao thông công cộng trên thực tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân về việc di chuyển (thời gian, tiện nghi); Hệ thống hạ tầng và điều phối giao thông không hợp lý; Ý thức giao thông kém; Tâm lý giao thông bảo thủ; Quy hoạch không hợp lý...
Nêu phương án thực hiện chương trình "Tuyến đường thông minh", về nguyên tắc, ông Hà đưa ra đề xuất là loại trừ tất cả các phương án mở rộng đường nội đô xây đường ngầm.
Lý do đưa ra là vì chi phí xây dựng quá cao (1km đường ngầm chi phí gấp 3 lần xây dựng trên mặt đất, đền bù...), quá trình thực hiện phức tạp (sẽ gây tắc, rối ảnh hưởng cho người dân trong thời gian thi công) và chi phí bảo quản cao, phức tạp trong tương lai.
Về phương án trước mắt, ông Hà đưa ra đề nghị hệ thống "di chuyển thông minh".
Thứ nhất, cải thiện tính hiệu quả của các phương tiện công cộng. Bảo đảm thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng nhanh hơn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Cụ thể, trên tất cả các tuyến đường vào nội đô, cách Bờ Hồ 15-30km (nơi có các tuyến ô tô buýt) thuê đất làm bãi đỗ cho xe con, xe máy với giá vé thấp (lấy thu bù chi). Thời gian thực hiện từ 3 tháng đến 1 năm rồi đưa vào vận hành.
Việc này sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các phương tiện công cộng dễ dàng, hạn chế sự lo lắng về vấn đề xe cộ và giảm thiểu số xe cá nhân đi vào nội thành.
Tiếp đó, chuyển các bến xe khách vào nội đô ra gần các bến gửi xe ô tô con và xe máy (thời gian thực hiện 2-3 năm).
Trong TP (các quận nội thành) dành một làn xe (với những tuyến đường có từ 2 làn xe trở lên) cho xe buýt vào các giờ cao điểm (ví dụ sáng từ 6h30 - 8h30, chiều từ 17h -18h30).
Thứ 2 là cải thiện lưu thông: Tất cả các xe liên tỉnh phải chạy đường vành đai cấm vào nội đô; Điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan, trường học, bệnh viện… và đẩy lệch pha giờ làm việc của các cơ quan TƯ, các trường đại học hợp lý so với giờ làm việc của các cơ quan TP Hà Nội...
Về phương án lâu dài, ông Hà nhận định, lý do chính của nạn ùn tắc là do mật độ dân số và nhu cầu đi lại tăng quá nhanh và cao so với diện tích và cơ sở hạ tầng.
Do vậy phương án cơ bản (tầm nhìn 2050) là giãn dân số, giảm phương tiện giao thông tới nội đô, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông.
Ý tưởng được ông Hà nêu lên đó là: Xây dựng các TP vệ tinh Sóc Sơn, Bắc Ninh, Hà Nam, Sơn Tây, Xuân Mai, Các khu Hòa Lạc, Đông Anh, Thường Tín…, những TP nghỉ cuối tuần như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Tam Đảo...
Việc này cần phải xây dựng cơ chế tốt, hạ tầng tốt để người dân mong muốn được chuyển ra sống tại các TP vệ tinh này.
Tiếp đó, chuyển toàn bộ các trường ĐH, CĐ, bệnh viện và một số cơ quan nhà nước ra ngoại ô hoặc ra các TP vệ tinh.
Nối nội đô với các TP vệ tinh bằng các hệ thống di chuyển thông minh trên mặt đất (đường ô tô, tàu điện, buýt).
Mục tiêu bảo đảm nếu người dân sử dụng những tuyến đường thông minh này sẽ đến nơi làm việc, cơ quan, trường học nhanh hơn và ít tốn kém hơn việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân.
Chỉ như vậy mới bảo đảm người dân sẽ cân nhắc động cơ chuyển ra sinh sống ngoài trung tâm và sử dụng phương tiện công cộng.
Ngoài ra, quản lý các phương tiện giao thông cá nhân thông qua thực hiện chế độ "điều tiết thông minh" dòng và lưu lượng các xe cá nhân vào trong TP bằng cách quy định khu vực di chuyển thông qua lệ phí.
Với những phương án này, chắc chắn Hà Nội sẽ giảm ách tắc ngay từ năm 2017, cơ bản hết tắc vào năm 2020 - tiến kịp với các nước tiên tiến trên thế giới vào những năm sau 2030, tùy thuộc quy mô đầu tư.