Chủ tịch Hiệp hội Vận tải HN: Dân không có chỗ mà đi, làm sao không tắc?

Nguyễn Lê |

Xung quanh cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030 ở Hà Nội, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải HN: Dân không có chỗ mà đi, làm sao không tắc? - Ảnh 1.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, mặc dù chủ trương thì rất đúng nhưng việc triển khai cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội còn nhiều bất cập.

Ông có đánh giá thế nào về cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội?

Tôi cho rằng, khi vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội đang thành nỗi bức xúc của người dân, của xã hội thì cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc là rất phù hợp.

Tôi mong rằng, qua cuộc thi này sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu để có thể giảm việc ùn tắc giao thông.

Đây cũng là hình thức tuyên truyền làm cho người dân thấy trách nhiệm của mình đối với quyền lợi chính đáng của mình, của xã hội và của Hà Nội.

Thế nhưng, mặc dù chủ trương thì rất đúng nhưng việc triển khai cuộc thi này còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, đáng lẽ nên mở rộng cuộc thi này tới toàn dân, các tổ chức chính trị xã hội đều được tham gia thì sẽ có nhiều sáng kiến đóng góp cho sự phát triển xã hội.

Thay vì việc mở rộng cho nhiều đối tượng, cuộc thi lại quy định các đơn vị tham gia là các đơn vị tư vấn về giao thông vận tải, nếu thế thì không cần phải phát động, phổ biến đến người dân làm gì mà chỉ cần thông báo cho các đơn vị tư vấn đó.

Thứ hai, thời gian đăng ký rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tuần mà lại không thông báo cụ thể, chi tiết về vấn đề giống như các cuộc thi khác cũng cần phải có ban tổ chức, tuyển chọn, sơ tuyển…

Thứ ba, thời gian làm bài thi chỉ trong 3 tháng là rất gấp, bởi đây là một công trình khoa học chứ không đơn giản, là đề tài khoa học thì phải qua thực nghiệm mới xét được kết quả, phải làm mô hình, tổ chức phản biện thì mới tìm được phương án tốt nhất.

Tôi cho rằng cuộc thi này phải kéo dài hàng năm thì mới tìm được phương án tốt.

Với nhiều bất cập như ông nói thì liệu Hà Nội có thể tìm được giải pháp qua cuộc thi này không, thưa ông?

Chỉ có định hướng trước đề án, định hướng trước đơn vị nào làm thì sẽ ra được kết quả và đó là kết quả của sự định hướng trước. Còn nếu để tự do lựa chọn phương án của mọi người thì chắc chắn sẽ không tìm được và không đi đến kết quả.

Nếu có kết quả thì đó chẳng qua là sự ấn định thôi, còn thực sự phải đưa ra phân tích, đánh giá, phản biện thì không có thời gian làm việc đó. Do vậy, không thể tìm được đề án tốt nhất.

Nên để cho toàn dân có ý kiến, đây không phải cuộc thi như ở trường đại học mà cần giờ giấc, thời gian mà đây là đóng góp tự nguyện, tự giác, thế nên tiếp nhận càng nhiều càng tốt.

Để có giải pháp thì cần phải hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ở Hà Nội, vậy theo ông nguyên nhân chính là gì?

Nguyên nhân chính là vấn đề tầm nhìn.

Không phải người ta không có tầm nhìn, nhưng có tầm nhìn nhưng không thực hiện, có quy hoạch rồi nhưng không thực hiện, suy cho cùng đó là do cơ chế - cơ chế nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong vấn đề thực hiện quy hoạch.

Chứ còn chuyên gia của Việt Nam rất giỏi, toàn giáo sư, tiến sỹ đi học ở các nước về, nhưng đến khi làm thì làm nửa vời, chẳng hạn như quy hoạch về đường thì cũng không thực hiện, để người dân phá vỡ mất quy hoạch.

Khâu quản lý nhà nước của chúng ta yếu kém, không nghiêm minh, có quy hoạch nhưng không thực hiện, quy hoạch và xây dựng thì lại phá lẫn nhau, nên tôi từng có ý kiến nên “nhốt” hai “ông” quy hoạch và xây dựng vào nhau.

Quy hoạch phải thành pháp lệnh để hết nhiệm kỳ này thì đến nhiệm kỳ kia vẫn phải thực hiện.

Việc dành đất cho quỹ giao thông nếu như ở các nước là 15% nhưng ở nước ta chỉ có 7%, cứ có tý đất là đem xây dựng hết, có quy hoạch, có chỉ tiêu không làm.

Phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cái này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Mặt khác, làm nhà cao tầng trong khu vực nội đô, tức là làm quy hoạch ngược; đáng lẽ đưa dân ra khỏi nội đô thì lại tập trung dân vào nội đô khi cho xây nhà cao tầng.

Hè phố đáng lẽ dành cho người đi bộ thì giờ cắt hè phố, mở rộng đường cho xe buýt chạy, dân không có chỗ mà đi…. thì làm sao mà thông thoáng được.

Cái này ai cũng biết, ngồi ở quán nước thì từ ông xe thồ, xe ôm cũng biết những nguyên nhân đó, người ta đổ lỗi do nhà nước chứ không phải do dân.

Vậy, theo ông phương án đột phá nào để giải quyết bài toán chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay?

Nguyên nhân rõ rồi nhưng giải quyết những nguyên nhân đó rất khó bởi tiền đâu mà làm.

Giao thông nói là làm nhưng ngành tài chính không cấp tiền cho thì làm gì, hay không giải phóng được mặt bằng vì dân đòi tiền đền bù cao… hiện nay giải pháp chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội rất khó và phải kéo dài chứ không thể làm ngắn hạn được vì phải lệ thuộc vào ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước lại phụ thuộc vào kinh tế phát triển thì mới có.

Giải pháp theo quy luật của thế giới là hạn chế xe cá nhân không phải bằng biện pháp cấm; nhưng khi hạn chế phương tiện cá nhân rồi thì cần tìm giải pháp người dân đi lại bằng gì.

Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải giải quyết thế nào để giao thông công cộng vừa rẻ, vừa nhanh, vừa không ùn tắc để người dân đi phương tiện mới.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại