Premier League đã, và vẫn đang là giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. 25 năm tồn tại, giải đấu hàng đầu nước Anh đã đưa đến cho người hâm mộ bóng đá trên khắp hành tinh rất nhiều tên tuổi lớn của bóng đá thế giới.
"Biểu tượng Premier League" là tuyến bài gửi đến bạn đọc góc nhìn sâu hơn, góc cạnh hơn về những nhân vật được coi là đại diện cho giải đấu này, những nhân vật góp phần tạo nên một Premier League đầy sắc màu và kịch tính.
Tuyến bài sẽ được xuất bản định kỳ vào thứ Năm hàng tuần.
Đó là buổi sáng một ngày tháng Tư năm 2006, phóng viên Simon Garfield của The Guardian được giao nhiệm vụ đi chụp một triển lãm ảnh về bóng đá tại phố Old Street (London).
Triển lãm trưng bày những bức ảnh về những cú tung người vô lê, những pha ăn mừng điên dại, những đám đông phát cuồng, những màn nâng cao chức vô địch lộng lẫy. Duy chỉ có bức ảnh của John Terry lại chụp thời khắc anh đang chơi… bi-a trong căn hộ tại Surrey.
Còn chưa hết ngỡ ngàng về bức ảnh lạ đời của Terry, Garfield nhìn thấy một người đàn ông mặc áo đội tuyển Anh bước tới bức ảnh đó, đứng ngắm nghía. Người ấy chính là John Terry.
Terry xuất hiện ở một triển lãm ảnh vào thời điểm lẽ ra anh nên ở nhà, hoặc sân tập để chuẩn bị cho trận đại chiến có ý nghĩa quyết định cả mùa bóng với Man United. Nếu không thắng Quỷ đỏ, The Blues có thể bị chính Man United cướp chức vô địch.
"Anh đang làm gì ở đây. Anh không nên ở đây, John", Garfield bước về phía Terry hỏi. Terry nhanh chóng nhận ra cây bút quen mặt của The Guardian. "Tôi đi… mua giày, đội trưởng Chelsea hồn nhiên đáp.
Mua giày vào thời điểm nước sôi lửa bỏng này ư? "Ồ, tôi muốn có một đôi giày đẹp để đi trong lễ ăn mừng chức vô địch Premier League của Chelsea", Terry đáp, rồi chào tạm biệt Garfield và hướng sang bên kia đường.
Garfield nhìn theo. John Terry đụng mặt khá nhiều fan nhận ra anh. Có cả những người mặc áo Arsenal, Tottenham, thậm chí Man Untied. Họ đều tay bắt mặt mừng, xin chụp ảnh cùng Terry.
Đó là thời khắc Garfield nhận ra 2 điều: Terry thật sự được yêu mến, kính trọng trên tư cách một cầu thủ và quả thật thì chẳng có gì phải quá lo lắng trước một trận đấu lớn khi bản thân thật sự có tài năng hơn người để chiến thắng. Thực tế đã chứng minh, Chelsea hạ Man United 3-0 và vô địch Premier League năm đó.
John Terry quả là một cận vệ lỗi lạc của bóng đá Anh. Một cầu thủ tài năng, khiêm tốn, không sợ hãi, rất đậm chất "phớt Ăng lê". Một thủ lĩnh đích thực.
Điều này, khá bất ngờ, đã được một nhân vật tên là Tony Carroll, trợ lý HLV cho đội bóng vô danh Senrab nhận ra từ thời Terry mới 10 tuổi. Thời đó, Terry chơi bóng cho đội bóng có tên Comet và thậm chí đã từng vô địch giải trẻ. Anh chơi… tiền vệ ở Comet.
Thế rồi Senrab xuất hiện và thôn tính tất cả. Ngay từ thời điểm đó Terry đã nhận ra rằng: Nếu muốn chiến thắng thì thay vì cố gắng làm thủ lĩnh của một CLB trung bình, hãy làm "lính" tại một đội bóng mạnh. Đó là lý do Terry gia nhập Senrab.
Tại Senrab, Terry sát cánh bên cạnh những tên tuổi lớn như Ledley King, Paul Konchesky, J lloyd Samuel và cả Bobby Zamora. Thế rồi bằng phẩm chất thủ lĩnh sẵn có, anh cầm đầu toàn bộ nhóm cầu thủ này, và chính nhờ tài điều binh khiển tướng thuần thục, Terry mới được Chelsea để mắt và chiêu mộ năm 14 tuổi.
Tại Chelsea, Terrry được miêu tả là một trong những tấm gương về sự nghiêm túc và chuyên nghiệp. Thời mới chân ướt chân ráo tới The Blues, Terry được giao nhiệm vụ… lau giày cho Dennis Wise, Eddie Newton và David Lee.
Có một lần Dennis Wise quay lại sân tập khi đã 9h tối. Buổi tập đã kết thúc 2 tiếng mà Terry vẫn cặm cụi lau đôi giày của Wise sạch bong. "Cậu không cần phải làm cẩn thận như vậy", Wise nói.
"Tôi nghĩ, anh xứng đáng ra sân với đôi giày sạch nhất có thể. Mai là một trận đấu lớn, tôi muốn anh có đôi giày đẹp nhất trên sân", Terry trả lời. Chính sau sự kiện này, Dennis Wise trở thành người dìu dắt Terry, dạy bảo anh từng chi tiết nhỏ để trở thành một thủ lĩnh đích thực.
Khi gắn trái bóng và bộ trang phục thi đấu với cái tên John Terry, chúng ta có một huyền thoại, một thủ lĩnh. Tấm băng rôn mà người hâm mộ Chelsea mang đi khắp các sân đấu ở Anh ghi rõ: "JT - đội trưởng, thủ lĩnh, huyền thoại" vẫn dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ bức ảnh tư liệu nào.
Tuy nhiên, khi cởi bỏ chiếc áo cầu thủ, Terry hiện nguyên hình thành một tên ác quỷ. Cuộc đời của Terry gắn liền với những scandal đáng xấu hổ, ở nhiều mức độ… đê tiện khác nhau.
Anh từng được phát hiện đang ở trong trạng thái say xỉn, cười đùa ầm ĩ trong lúc cả thế giới lặng đi vì vụ khủng bố 11/9. Anh vào mua pizza và hồn nhiên đỗ xe vào khu vực dành cho người tàn tật (bị phạt 60 bảng).
Anh say xỉn, nôn mửa ở một quán bar, đập vỡ nhiều chai bia và thậm chí… tè cả vào cốc bia rồi làm rơi nó trên sàn. Anh bị điều tra vì đã tự ý thu tiền để dắt các phóng viên tham quan SVĐ Stamford Bridge (điều này bị cấm).
Anh đánh nguội một cầu thủ Barca, trơ trẽn chối tội để rồi chỉ biết cúi đầu khi UEFA công bố đoạn video chứng minh rõ ràng.
Với các đồng nghiệp thì sao? Terry bị phạt nặng vì chửi và xúc phạm màu da của Anton Ferdinand, gọi Rio Ferdinand là "thằng ngu", lăng nhăng với vợ của Wayne Bridge. Vì những scandal này, Terry trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh 2 lần bị tước băng đội trưởng ĐT Anh vì vi phạm kỷ luật và đạo đức.
Với gia đình còn tệ hơn. Terry từng kể rằng hồi anh 5 tuổi, bố anh đi làm từ 6h sáng đến 6h tối mới về đến nhà. Vừa về, ông lập tức đưa Terry và anh trai Paul tới sân bóng, ngồi trông 2 cậu con trai đá bóng đến 10h tối mới về nhà ăn cơm.
John Terry - Huyền thoại Premier League
Tuy nhiên, sau khi trở thành một triệu phú trong làng bóng đá, Terry lại đẩy bố đến ngưỡng phải đi bán… ma túy rồi bị tờ News of the World bẫy và phải hầu tòa. Mẹ Terry cũng từng bị cảnh sát bắt vì trộm cắp trong siêu thị.
John Terry là một biểu tượng đầy tranh cãi. Tờ Daily Mail đã thật sự tinh tế khi hình dung anh là "cận vệ của quỷ". Bởi quỷ chỉ tuyển những người giỏi nhất làm cận vệ cho mình và đó thường là những người không tốt đẹp gì.
Tuy nhiên, gạt bỏ đi những scandal hậu trường, John Terry quả thật là một cầu thủ hiếm có của bóng đá Anh - một cầu thủ thật sự có tình yêu với bóng đá.
Sau khi rời Chelsea, thay vì sang Trung Quốc hay Mỹ hưởng lương cao mà thi đấu nhàn nhã, Terry lại gia nhập Aston Villa, thách thức bản thân ở giải đấu có tới 46 trận/mùa. Chỉ khi sở hữu một tình yêu đích thực với trái bóng, Terry mới có thể làm vậy.