Theo trang Newsweek, nhận định của tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ) được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh của Ukraine đang tranh luận về vấn đề viện trợ cho Kiev trong cuộc chiến với Moscow, sau khi Nga chiếm được thị trấn Avdiivka thuộc tỉnh Donetsk hôm 17/2.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi tuyên bố rút quân "để tránh bị bao vây và bảo toàn tính mạng" cho binh sĩ của ông, nhưng có thông tin cho rằng cuộc rút lui đã không diễn ra suôn sẻ.
Các đơn vị của Lữ đoàn Xung kích số 3 của Ukraine đã bị "bao vây hoàn toàn" bên trong Avdiivka - nơi đã diễn ra giao tranh ác liệt trong nhiều tháng - nhưng tất cả đều trốn thoát trước khi Nga giành được thị trấn, Maksym Zhorin - Phó chỉ huy Lữ đoàn - cho biết hôm 19/2.
Theo Newsweek, sự bế tắc của Quốc hội Mỹ về thỏa thuận viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Kiev cùng với sự chậm trễ từ các đồng minh châu Âu của Ukraine đã làm gia tăng lo ngại rằng tình trạng thiếu trang thiết bị và đạn dược mà quân đội Ukraine phải đối mặt sẽ mang lại lợi thế cho Nga.
ISW cho biết hôm 18/2 rằng, những sự chậm trễ này "có thể giúp Nga tiến hành các cuộc tấn công mang tính cơ hội dọc theo một số khu vực của tiền tuyến" để gây áp lực lên các lực lượng Ukraine trên nhiều trục khác nhau.
Theo ISW, các lực lượng Nga đang tiến hành ít nhất ba cuộc tấn công: dọc theo biên giới tỉnh Kharkiv - Luhansk ở phía đông bắc Ukraine, đặc biệt là xung quanh thị trấn Kupyansk và Lyman; trong và xung quanh thị trấn phía đông Avdiivka; và gần làng Robotyne ở tỉnh Zaporizhia phía đông Ukraine.
"Sự thiếu hụt trầm trọng của Ukraine về trang thiết bị do phương Tây cung cấp và lo ngại về việc Mỹ dừng hoàn toàn viện trợ quân sự đã buộc quân đội Ukraine phải tập trung trang thiết bị cho toàn bộ mặt trận", ISW cho biết. Điều này có thể đã "khuyến khích các lực lượng Nga khai thác tình hình và tiến hành các cuộc tấn công".
Một người lính Ukraine bị trúng mảnh đạn khi chiến đấu ở Avdiivka nói với hãng tin BBC vào tuần trước rằng: "Đối phương có rất nhiều thứ, đủ loại trang thiết bị, trong khi chúng tôi gần như không có gì".
Phần lớn viện trợ được phân bổ cho các chi phí phi quân sự
Theo ISW, những nỗ lực tấn công của Nga có thể sẽ cản trở quân đội Ukraine chuẩn bị lực lượng và trang thiết bị cho các cuộc phản công tiếp theo và cho thấy Kyiv phải đối mặt với những bất lợi trong cuộc chiến như thế nào nếu họ chỉ cố gắng phòng thủ trong thời gian còn lại của năm nay như một số đồng minh và nhà phân tích từng đề xuất.
Leon Hartwell - trợ lý cấp cao của tổ chức tư vấn LSE Ideas thuộc Trường Kinh tế London (Anh) - nói rằng, điều đáng chú ý là phần lớn viện trợ của EU và Mỹ dành cho Kyiv được phân bổ cho các chi phí phi quân sự khiến Ukraine "không được trang bị đầy đủ để đẩy lùi các bước tiến của Nga".
Ông Hartwell nói với Newsweek rằng: "Chính phủ các nước phương Tây phải đối mặt với câu hỏi 'chúng ta cam kết hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng như thế nào'… Nếu các thành viên NATO tăng viện trợ cho Ukraine lên 2% GDP của mỗi thành viên, thì viện trợ cho nước này sẽ đạt gần 500 tỷ USD/năm, điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ chi tiêu nhiều hơn Nga và chiến sự có thể kết thúc trước thời điểm cuối năm 2025".
Theo Newsweek, việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev và mối đe dọa mà Nga đặt ra cho NATO là chủ đề chính tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 16 đến 18/2. Tại đó, khi kêu gọi các đồng minh châu Âu giúp đỡ Ukraine, Đức đã cảnh báo rằng liên minh này sẽ phải đối mặt với mối đe dọa trong những năm tới.
Trong khi đó, NBC News dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Nhà Trắng chuẩn bị gửi tên lửa tầm xa ATACMS (hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) cho Ukraine nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ mới hiện đang bị đình trệ.
Theo Newsweek, Mỹ đã giao tên lửa ATACMS cho Ukraine vào tháng 10/2023, nhưng chúng là mẫu cũ với tầm bắn gần hơn so với các mẫu mới.
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas cho biết, Kyiv có thể nhận được máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên vào tháng 6 tới.