Không có ai bị thương trong vụ phóng tên lửa và cũng chưa có nhóm Palestine nào nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này. Tuy nhiên, có thể thấy đây là hành động đáp trả cho những cái chết của người Palestine trong cuộc biểu tình ngày 30-3 phản đối Israel giành quyền kiểm soát một phần dải Gaza.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện thay đổi có tính bước ngoặt trong chính sách của Mỹ với các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng gần nửa thế kỷ qua, bạo lực ở Trung Đông có dấu hiệu gia tăng. Ngày 25-3, nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Trump đã ký sắc lệnh chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan của Syria.
Quyết định trên của Tổng thống Trump cùng với việc trước đó hồi tháng 12-2017, Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, trong khi cả Israel và chính quyền Palestine đều tuyên bố Jerusalem là Thủ đô của mình, đã đẩy Israel trở lại xung đột với cộng đồng người Arab. Cả Palestine và Syria đều lo ngại các vùng đất của mình đang bị Israel chiếm đóng sẽ bị mất vĩnh viễn.
Người Palestine đã ngay lập tức xuống đường biểu tình phản đối, còn nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas thì phóng tên lửa J-80 vào thành phố Tel Aviv của Israel từ khoảng cách 120km để tỏ thái độ. Đây là vụ tấn công tên lửa tầm xa nhất từ dải Gaza vào Israel kể từ năm 2014. Trong hành động trả đũa, máy bay tiêm kích, trực thăng chiến đấu, xe tăng và xuồng cao tốc của Israel đã thực hiện hàng trăm vụ không kích, pháo kích vào dải Gaza trong đêm 26-3.
Với cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Israel sáng sớm 31-3, người ta lo ngại đây là cớ để Israel mở một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào dải Gaza. Thực tế là trước khi lên máy bay cắt ngắn chuyến thăm Mỹ trở về Israel, ông Netanyahu đã ngầm đưa ra lời đe dọa sẽ tiến hành tấn công xâm lược Gaza để đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng Hamas.
Thêm vào đó, trong bối cảnh chưa đầy 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tại Israel, rất có thể Thủ tướng Israel Netanyahu cũng muốn kiếm phiếu bằng cách tỏ thái độ cứng rắn đối với vụ tấn công tên lửa.
Trở lại với quá khứ, quân đội Israel xâm lược Gaza vào tháng 7-2014, khi Tel Aviv quy trách nhiệm cho Hamas trong vụ bắt cóc và sát hại 3 sinh viên Israel ở khu vực Bờ Tây sông Jordan. Cuộc xâm lược kéo dài 7 tuần này đã gây ra nhiều thiệt hại về người cho người Palestine. Theo một số thống kê, có đến hơn 2.100 người Palestine đã thiệt mạng, trong khi thiệt hại của phía Israel là 71 người.
Nếu mở cuộc tấn công quân sự vào dải Gaza lần này, lực lượng chính mà Israel sẽ phải đối đầu vẫn là Hamas. Có điều bây giờ Hamas không phải là đối thủ dễ chơi như trước. Vài năm gần đây, Hamas đã tích trữ được khối lượng vũ khí lớn. Ban đầu chỉ chế tạo được tên lửa thô sơ tầm ngắn, bây giờ Hamas sở hữu các tên lửa có thể bắn tới mọi nơi ở Israel.
Hamas không công khai thông tin chi tiết về khả năng quân sự, nhưng theo ông Dabi Siboni, nhà phân tích quân sự người Israel, Hamas “có nhiều loại vũ khí hiện đại, chính xác và hiệu quả”, bao gồm tên lửa đất đối đất, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai.
Israel và Hamas đã dàn trận trên dải Gaza để sẵn sàng nghênh chiến. Trước nguy cơ gia tăng xung đột giữa Israel và Palestine, Liên hợp quốc đã phải lên tiếng kêu gọi các bên ngăn chặn chiều hướng khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Điều phối viên nhân đạo Liên hợp quốc James McGoldrick nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là bảo vệ mạng sống của người dân Palestine, đồng thời yêu cầu Israel tuân thủ các quy định pháp lý quốc tế, sử dụng các phương tiện phi bạo lực tới mức tối đa khi giải tán người biểu tình Palestine.