"Tặng" chủ quyền Golan cho Israel: TT Trump chấp nhận đẩy Trung Đông vào lửa để thắng cử 2020?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 25/3/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan của Syria.

Trước năm 1967 cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ Syria. Trong cuộc chiến tranh năm 1967, một phần lớn cao nguyên này đã bị Israel chiếm. Năm 1981, Quốc hội Knesset của Israel đã thông qua luật sáp nhập Golan vào lãnh thổ Israel. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không công nhận quyết định này, và Liên hợp quốc đã nhiều lần coi việc sáp nhập cao nguyên Golan là hành động bất hợp pháp cũng như kêu gọi Israel trả lại phần đất này cho Syria.

Trong cuộc nội chiến Syria, phe nổi nổi dậy đã kiểm soát phần cao nguyên Golan thuộc Syria, đến năm 2018 quân đội Syria đã giải phóng khu vực này và hiện nay nằm dưới sự kiểm soát của quân đội chính phủ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman nói, Israel lo ngại Iran sẽ biến khu vực này thành pháo đài tiền tiêu để chống Israel.

Thủ tướng Israel Netanyahu gặp thách thức trước bầu cử

Việc chính quyền Tổng thống Trump công nhận Golan là một phần của lãnh thổ Israel không chỉ là món quà dành cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu mà còn là cái phao cứu hộ đối với ông, đặc biệt vào thời điểm ông đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức to lớn trước cuộc bầu cử Quốc hội quyết định số phận tương lai của ông dự kiến được tổ chức vào ngày 9/4/2019 tới.

Dư luận xã hội và các đảng đối lập Israel đang tố cáo ông Netanyahu dính líu vào nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, đòi phải đưa ông ra toà. 

Các báo Times of Israel, Harretz và nhiều tờ báo khác của Israel và Đức ngày 26/3 đồng loạt đưa tin chi tiết về các vụ bê bối của ông Netanyahu. Mới đây nhất là vụ mua tàu ngầm và tàu chiến của Đức cho quân đội Israel. 

Trong vụ mua bán này, ông đã nâng số cổ phiếu của mình trong công ty thép SeaDrift - thuộc sở hữu của hai người anh em họ David Shimron và Nathan Milikowsky - khi cung cấp thép cho công ty đóng tàu ngầm ThyssenKrupp của Đức để trục lợi cá nhân. Ông cũng chấp thuận cho Đức bán tàu ngầm cùng loại cho Ai Cập - đối thủ của Israel. Điều này làm phá vỡ cán cân so sánh lực lượng giữa Israel và Ai Cập, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh của Israel.

Tặng chủ quyền Golan cho Israel: TT Trump chấp nhận đẩy Trung Đông vào lửa để thắng cử 2020? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức nghi thức ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, có sự tham dự của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, thủ đô Washington, Mỹ, ngày 25/3/2019 (Ảnh: Reuters)

Việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này, việc khơi lại cuộc xung đột với Iran sau khi rút khỏi thoả thuận hạt nhân (JCPOA) và tái áp đặt lệnh trừng phạt Tehran... và mới đây tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan là những món quà không chỉ dành cho ông B. Netanyahu - người ủng hộ mạnh mẽ nhất kế hoạch của Washington nhằm giải quyết vấn đề Palestine, mà còn để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Do Thái tại Mỹ tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Ý nghĩa chiến lược của cao nguyên Golan

Cao nguyên Golan có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với Israel. Nằm trên vùng núi cao có chiều dài 74km, rộng 27 km và diện tích 1800km2, đây là cao điểm có thể đặt các trạm thu thập thông tin tình báo và kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria, Lebanon và Jordan.

Sáp nhập cao nguyên Golan cho phép Israel ngăn chặn được các cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra như trong cuộc chiến tranh tháng 10/1973, giữ được an toàn dọc theo đường ranh giới ngừng bắn với Syria và đây cũng là lá chắn bảo vệ cho Israel và mang lại cho họ lợi thế phòng thủ ở mặt trận phía Bắc giáp với Lebanon và Syria.

Ngoài ra, Golan còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là nguồn nước, đất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, thậm chí cả dầu mỏ và khí đốt mới phát hiện tại đây với trữ lượng khá lớn. Tel Aviv coi cao nguyên Golan là kho báu tài nguyên thiên nhiên.

Mặt khác, nếu trả lại cao nguyên Golan cho Syria, Israel sẽ phải phá dỡ các doanh trại quân đội và các khu định cư được xây dựng tại đây từ 52 năm qua và đưa khoảng 20 ngàn người Do Thái định cư về Israel. Công việc này sẽ tiêu tốn khoảng 20 tỷ đô la.

Kế hoạch hoà bình Trung Đông của Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố công nhận cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ Israel chắc chắn sẽ làm cho căng thẳng và không khí đối đầu leo thang tại Trung Đông.

Một quyết định mà Liên hợp quốc, Liên đoàn Ả Rập và tất cả các nước trên thế giới, trong đó có các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông như Ả Rập Saudi, các nước Liên minh châu Âu (EU)... đều phản đối thì chắc chắn sẽ không thể tìm được đất sống.

Ngay sau khi ông Trump ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, các lực lượng Hamas đã phóng nhiều quả tên lửa từ dải Gaza vào ngoại ô Tel Aviv làm 7 binh sĩ Israel bị thương.  

Đáp lại, quân đội Israel huy động một lực lượng lớn đến vùng biên giới sát với Gaza và cho máy bay oanh tạc nhiều vị trí tại Gaza gây thiệt hại lớn về người và của cho Palestine.

Nhiều nước Ả Rập đã kêu gọi Liên đoàn Ả Rập (AL) sắp tới họp Hội nghị thượng đỉnh tại Tunisia rút sáng kiến của Ả Rập đưa ra năm 2002 nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel, đồng thời chấm dứt bình thường hoá quan hệ với Israel.

Những nước đồng minh của Syria gồm Iran, Iraq, Hezbollah... đang tính các biện pháp phản ứng lại tuyên bố trái với luật pháp quốc tế của Mỹ. Khu vực Trung Đông một lần nữa lại rơi vào vòng xoáy của bạo lực.

Tiếp theo việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về đây, ủng hộ không hạn chế chính quyền của Thủ tướng Netanyahu, tuyên bố của ông Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan thể hiện Mỹ hoàn toàn thiên vị Israel trong tiến trình hoà bình Trung Đông. 

Đến nay đã hơn hai năm lên cầm quyền tại Nhà Trắng, Tổng thống chưa đưa ra được sáng kiến mang tính xây dựng nào nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine ngoài cái gọi là "Thoả thuận thế kỷ" mà nội dung cụ thể của nó chưa rõ ràng. Thoả thuận này vừa đưa ra đã bị phía Palestine, dư luận chính giới giới Ả Rập và quốc tế phản đối thì kế hoạch hoà bình Trung Đông của Tổng thống Trump rất khó có thể thành công, nếu không muốn nói là kết thúc tại đây.

Cao nguyên Golan

- Được LHQ công nhận là lãnh thổ Syria bị Israel chiếm đóng

- Diện tích: 1.800 km2

- Diện tích bị Israel chiếm đóng: 1.200 km2

- Diện tich do Syria kiểm soát: 600 km2

- Độ cao lớn nhất so với mặt biển: 2.814 m

- Từ năm 1944 đến năm 1967, cao nguyên Golan nằm trong tỉnh Quneitra của Syria. Trong cuộc chiến tranh tháng 6/1967, 2/3 lãnh thổ Golan phần phía tây bị Israel chiếm. Năm 1981, Quốc hội Knesset của Israel thông qua "Luật cao nguyên Golan" đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ này

- Ngày 17/12/1981, Hội đồng Bảo an An Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 497 không thừa nhận quyết định này của Israel.

- Nghị quyết 242 (1967) và 338 (1973) của Hội đồng Bảo an kêu gọi Israel rút khỏi tất cả các vùng đất Ả Rập bị chiếm đóng, trong đó có cao nguyên Golan

- Sau khi Israel thiết lập sự kiểm soát của mình đối với cao nguyên Golan, phần lớn người dân Syria, kể cả bộ máy hành chính của tỉnh Quneitra cũng rời về phía Syria. Khoảng 7 ngàn người dân Syria còn ở lại sinh sống trong các làng mạc tại phần cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

- 25/3/2019, chính quyền Mỹ tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại