Hamas đã dùng cách gì để khuấy đảo chính trường Israel?

TTXVN/VIETNAM+ |

Hamas không giành được một chiến thắng quân sự, nhưng việc bộ trưởng quốc phòng Israel từ chức cho thấy Hamas có thể làm rung chuyển thượng tầng hệ thống chính trị của Israel.

Trang mạng National Interest mới đây có bài viết "Hamas đã dẫn tới căng thẳng chính trị nội bộ của Israel như thế nào?" trong đó nhận định "Hamas đã không giành được một chiến thắng quân sự, nhưng việc bộ trưởng quốc phòng Israel từ chức cũng là một chiến thắng bởi điều đó cho thấy Hamas có thể làm rung chuyển thượng tầng hệ thống chính trị của Israel."

Theo tác giả bài viết, ngày 14/11 vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã từ chức sau khi chính phủ Israel đạt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas tại Gaza.

Việc ông Lieberman từ chức đã khiến cho hệ thống chính trị Israel rơi vào bất ổn vì Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải giải quyết đòi hỏi của các đảng phái còn lại trong liên minh cầm quyền về việc bổ nhiệm ông Naftali Bennett, Chủ tịch đảng Jewish Home (Ngôi nhà Do Thái), Bộ trưởng Giáo dục đương nhiệm, làm Bộ trưởng Quốc phòng mới.

Hamas đã thách thức Israel trong 6 tháng qua khi tổ chức cho người dân tại Gaza biểu tình dọc biên giới với Israel, nã rocket từ Gaza vào lãnh thổ Israel...

Nay Hamas đã giành được điều mà họ xem là một thắng lợi. Mặc dù Hamas không đủ khả năng thâm nhập vào hệ thống phòng thủ của Israel bao quanh Gaza nhưng đổi lại họ có thể làm chính phủ Israel sụp đổ.

Đợt bạo lực mới đây nhất dẫn tới sự ra đi của ông Lieberman bắt đầu vào ngày 11/11, khi một đơn vị đặc nhiệm của Quân đội Israel (IDF) gây ra vấn đề tại Gaza trong một nhiệm vụ được mô tả là "trinh sát đặc biệt."

Chu trình bạo lực đó bắt đầu từ khi Hamas tổ chức làn sóng biểu tình dọc theo biên giới Gaza với Israel với tên gọi "Cuộc tuần hành hồi hương vĩ đại" vào cuối tháng 3/2018, trong đó hành chục nghìn người dân tại Gaza đã tiến hành biểu tình quy mô lớn dọc biên giới Gaza-Israel.

Hamas muốn thể hiện "tính chính danh" sau 12 năm quản lý Gaza nhưng không đạt được thành quả nào.

Hamas đã bị cô lập trong năm vừa qua không chỉ do sự bao vây và cấm vận từ Israel mà còn từ Chính quyền Palestine (PA) tại Bờ Tây khi PA trừng phạt các nhân viên dân sự tại Gaza và cắt tiền lương của những người này.

Do bị Ai Cập phản đối, Hamas nhận một số hỗ trợ tài chính từ Qatar, Iran và hậu thuẫn bằng lời nói từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Hamas đã thất bại trong quản lý Gaza. Hamas cũng đã thất bại trong tấn công quân sự vào Israel do Tel Aviv đã tìm cách chặn các đường hầm của Hamas, ngăn chặn "các đội người nhái của Hamas" và đánh chặn rocket.

Tháng 10 vừa qua, nhóm Thánh chiến Jihad Palestine đã bắn hàng chục quả rocket vào Gaza và IDF đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào hơn 80 mục tiêu tại Gaza.

Hamas đã dùng cách gì để khuấy đảo chính trường Israel? - Ảnh 1.

Người biểu tình Palestine xung đột với binh sỹ Israel tại khu vực biên giới phía đông dải Gaza ngày 9/11/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tháng 7/2018, sau khi Hamas bắn hơn 170 quả đạn cối và rocket vào Israel, IDF cũng tấn công đáp trả vào 40 mục tiêu tại Gaza.

Quan ngại thật sự của Thủ tướng Netanyahu là thách thức từ Iran và đặc biệt là vai trò của Tehran tại Syria và Liban.

Ông Netanyahu đã yêu cầu Iran rút khỏi Syria và Israel đã phát động chiến dịch quân sự đánh vào các mục tiêu của Iran tại Syria và nhằm vào vũ khí của Iran vận chuyển cho Hezbollah.

Kể từ năm 2011, Israel đã tấn công 300 mục tiêu tại Syria, 200 mục tiêu trong 2 năm qua.

Israel cũng đã cảnh báo về việc Hezbollah gia tăng mạng lưới các nhà máy sản xuất rocket và cơ sở tàng trữ rocket tại Liban.

Israel đặc biệt quan ngại về các loại tên lửa đạn đạo ngày càng chính xác của Iran được cho là đã chuyển giao và hướng dẫn sử dụng chi tiết cho Hezbollah.

Tháng 10/2018, Nga đã chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria và vào cuối tháng 10 đã cảnh báo "những cái đầu nóng" tại Israel không nên "kiểm tra" hệ thống phòng không này.

Điều này có nghĩa Israel sẽ phải cố gắng hơn nữa để tìm ra cách thức tiếp tục đối đầu với thách thức từ Iran tại Syria. Cũng có nghĩa là Israel sẽ phải tiếp tục phối hợp với Mỹ.

Đặc phái viên của Mỹ về Syria, James Jeffrey, ngày 14/11 vừa qua cho biết mục tiêu của Mỹ là "nhìn thấy Iran rời khỏi Syria."

Đây cũng là vấn đề đã được đề cập trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Netanyahu tới Oman và của các bộ trưởng Israel tới UAE vào đầu tháng 11/2018.

Những chuyến thăm này là bước đột phá trong trong quan hệ giữa Israel với các nước vùng Vịnh và cũng là một phần trong chiến lược chống Iran trên phạm vi toàn khu vực.

Do đang tập trung thực hiện chiến lược chống Iran trên phạm vi toàn khu vực nên ông Netanyahu muốn tránh một cuộc chiến khó khăn trên bộ tại Gaza.

Ông Netanyahu đã chỉ đạo các cuộc chiến tranh với Gaza năm 2012 và 2014, những cuộc chiến đã không giành được nhiều thắng lợi ý nghĩa ngoại trừ làm suy yếu tiềm lực của Hamas.

Những cuộc chiến này chủ yếu là do Hamas đã nhập lậu nhiều vũ khí thông qua các đường hầm từ Gaza và tận dụng bất ổn tại khu vực do "Mùa xuân Arập" gây ra.

Hiện tại, Hamas đã yếu hơn và hệ thống đường hầm buôn lậu với Sinai đã bị phá hủy.

Theo một số nguồn tin, ông Netanyahu và giới hoạch định chính sách an ninh chủ trương tránh một cuộc chiến tranh tiếp theo với Gaza.

Ông Netanyahu muốn đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas do Ai Cập làm trung gian để giữ nguyên hiện trạng tại Gaza. Điều này cho phép Israel tập trung vào chống Iran tại khu vực, thay vì bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với Gaza.

Ông Lieberman từ chức trong bối cảnh hết sức phức tạp. Ông là một bộ trưởng có kỹ năng, người đã đấu tranh để tăng ngân sách quốc phòng Israel lên 19 tỷ USD, giúp bảo đảm nguồn viện trợ quân sự 3,8 tỷ USD từ Mỹ và ký kết được hợp đồng mua máy bay F-35 cũng như các hợp đồng mới về máy bay chiến đấu F-15 và trực thăng tấn công. Tuy nhiên, về mặt chính trị, ông Lieberman bị cô lập trong bộ quốc phòng.

Eran Lerman, Phó giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Jerusalem, đồng thời là cựu Phó giám đốc chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Thủ tướng Israel, miêu tả ông Lieberman cũng bị cô lập trong thành phần nội các an ninh của Thủ tướng Netanyahu, bộ phận ủng hộ ngừng bắn với Hamas.

Những bên ủng hộ ngừng bắn gồm Mossad, Cơ quan an ninh nội địa (Shin Bet) và Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Trong tình thế như vậy, vai trò của ông Lieberman với tư cách là bộ trưởng quốc phòng trở nên nhạt nhòa và ông đã lựa chọn từ chức để thể hiện quan điểm cứng rắn trong vấn đề Gaza hơn ông Netanyahu.

Điều này sẽ giúp ích cho ông rất nhiều trong cuộc bầu cử vào năm tới bởi nhiều người Israel sống ở phía Nam (giáp Gaza) cho rằng Chính phủ Israel cần phải có biện pháp mạnh để xử lý vấn đề Gaza.

Điều này được thể hiện rõ vào ngày 13 và 14/11 vừa qua tại khu vực gần thành phố Sderot khi người biểu tình chặn đường và đốt lốp xe để phản đối Chính phủ Israel ngừng bắn với Hamas. Người biểu tình cũng tuần hành tại Tel Aviv và Jerusalem để phản đối chính phủ.

Chính sách đối nội đang gây khó khăn cho chính sách đối ngoại được tính toán kỹ lưỡng của ông Netanyahu và gây mất cân bằng chiến lược.

Trong bối cảnh đó, khẳng định của Hamas về "chiến thắng" trong thỏa thuận ngừng bắn không phải là một tuyên bố sáo rỗng. Hamas không giành được thắng lợi quân sự nào, nhưng việc hạ bệ bộ trưởng quốc phòng Israel cũng là một dạng chiến thắng bởi điều đó cho thấy Hamas có thể làm rung chuyển cấu trúc thượng tầng chính trị của Israel.

Thủ tướng Netanyahu sẽ phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn.

Ông Naftali Bennett, lãnh đạo đảng Ngôi nhà Do Thái đã công khai đòi hỏi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng.

Ông Naftali Bennett, không giống như ông Lieberman, sẽ muốn trở thành một bộ trưởng độc lập. Điều này một lần nữa lại thách thức ông Netanyahu nhiều hơn liên quan đến Gaza. Bản thân ông Netanyahu có thể tự mình đảm nhận vị trí bộ trưởng quốc phòng, một vị trí mà nhiều đời thủ tướng Israel trước đây đã kiêm nhiệm.

Nhưng hiện ông Netanyahu đã kiêm nhiệm chức bộ trưởng ngoại giao nên việc làm cách nào để ông có thể xử lý tốt đồng thời ba chức vụ vẫn là một ẩn số.

Nếu ông Netanyahu không thể giải quyết được bất ổn chính trị hiện nay, Israel sẽ phải tiến tới bầu cử sớm.

Mặc dù ông Netanyahu quan tâm thúc đẩy chiến lược khu vực, nhưng bầu cử sẽ làm ông sao nhãng thực hiện chiến lược này. Đây chính là vấn đề giải thích việc ông Netanyahu tìm cách tránh một cuộc chiến tranh với Gaza.

Sau gần 10 năm cầm quyền tại Israel, ông Netanyahu sẽ gặp khó khăn trong việc có thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông muốn duy trì những thành tựu đã đạt được nhưng đang bị đẩy vào một cuộc bầu cử sớm và có khả năng bị buộc phải rời phủ thủ tướng.

Ông Lieberman đã đẩy chính trường Israel vào vòng xoáy tại thời điểm then chốt của khu vực.

Hamas cho rằng tổ chức này đã đạt được một lợi thế và có thể sẽ cố gắng thúc đẩy lợi thế đó hoặc tìm cách can dự nếu cho rằng họ có thể đạt được nhiều hơn nữa trong giai đoạn bất ổn của liên minh cầm quyền dưới thời Netanyahu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại