Israel nắm bí quyết công nghệ, biến rocket cổ lỗ Liên Xô thành "sát thủ chiến trường"

Trung Phạm |

EPIK được trang bị các hệ thống dẫn đường có khả năng đối chiếu hình ảnh và xử lý tín hiệu giúp đạn rocket có thể tấn công các mục tiêu theo ý muốn.

Nhà thầu quốc phòng Rafael của Israel đang phát triển một bộ nâng cấp bổ sung có tên gọi "Thiết bị tích hợp chính xác quang - điện tử" (EPIK) có thể biến bất cứ loại pháo phản lực Grad 122mm nào do Liên Xô chế tạo thành vũ khí điều khiển có khả năng tấn công chính xác cả các mục tiêu cố định và di động.

Rafael còn có kế hoạch tiếp tục cải tiến hệ thống để tích hợp với các hỏa tiễn đất đối đất không dẫn đường khác với hy vọng giúp quân đội nhiều nước trên thế giới có được sự lựa chọn tương đối đơn giản, chi phí thấp trong việc nâng cao khả năng yểm trợ hỏa lực chính xác tầm xa của họ.

"Khá nhiều lực lượng lục quân trên thế giới hiện đang sở hữu các loại đạn rocket đất đối đất. Chúng có bán kính lệch tâm (CEP) khá cao, nghĩa là sẽ rơi gần mục tiêu chứ không thể bắn trúng mục tiêu một cách chính xác", Gal Papier, Giám đốc marketing và Phát triển kinh doanh, Phòng các Hệ thống Vũ khí Chiến thuật Chính xác của Rafael chia sẻ trên trang Jane’s.

"Do vậy, hơn 2 năm qua, chúng tôi đã tập trung phát triển EPIK nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của các lực lượng lục quân, giúp họ có được giải pháp tấn công nhiều mục tiêu trên nhiều địa bàn cùng lúc với độ chính xác cao".

Israel nắm bí quyết công nghệ, biến rocket cổ lỗ Liên Xô thành sát thủ chiến trường - Ảnh 1.

Pháo phản lực EXTRA bắn đạn rocket AccuLAR-160

EPIK có gì đặc biệt?

EPIK gồm một bộ cảm biến đa năng và các giao diện kiểm soát di chuyển lắp đặt ở phần trước rocket. Thiết bị có các cảm biến laser và hồng ngoại và một hệ thống dẫn đường quán tính (INS) tích hợp GPS cho phép đạn rocket có thể tấn công nhiều loại mục tiêu, gồm cả các phương tiện đang di chuyển.

INS giúp điều khiển đạn rocket tới khu vực mục tiêu hoặc tấn công các mục tiêu cố định cụ thể ở chế độ "bắn và quên". Rafael cho biết, thiết bị dẫn đường có các khả năng đối chiếu hình ảnh và xử lý tín hiệu giúp rocket trang bị EPIK có thể tấn công các mục tiêu theo mong muốn.

Đặc biệt, theo Papier, thiết bị GPS của hệ thống dẫn đường này chỉ là dự phòng, còn các cảm biến và INS khác mới đóng vai trò trung tâm trong việc điều khiển pháo phản lực.

Nếu được kết hợp với sự điều khiển của con người, EPIK thậm chí vẫn có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường GPS bị chế áp, một viễn cảnh có rất nhiều khả năng xảy ra trong các chiến trường hiện đại.

Chưa rõ liệu việc trang bị thêm EPIK có đòi hỏi phải hiệu chỉnh đầu đạn rocket hay không hoặc liệu có phải nó chỉ tương thích với một số loại hỏa tiễn nhất định. Tuy nhiên, Papier cho biết, để tích hợp EPIK thì chỉ cần một sự thay đổi rất nhỏ ở các đạn rocket hiện nay, đồng thời khẳng định, tính đơn giản giúp nó rất dễ tích hợp với gần như tất cả các hệ thống rocket khác.

"Hiện chúng tôi đã hoàn tất việc giảm thiểu mức độ rủi ro trong tiến trình lắp đặt thiết bị bổ sung này cho rocket, đặc biệt là với pháo phản lực Grad 122mm", Papier giải thích. "Chúng tôi có thể tích hợp EPIK cho các hệ thống đất đối đất không dẫn đường với bất cứ cỡ nòng nào".

Israel nắm bí quyết công nghệ, biến rocket cổ lỗ Liên Xô thành sát thủ chiến trường - Ảnh 2.

Pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad. Ảnh: Military Factory

Những nước nào hưởng lợi?

Được Liên Xô phát triển từ những năm 1960, pháo phản lực cỡ nòng tiêu chuẩn Grad vẫn đang được sản xuất ở hơn một chục nước trên thế giới. Chúng có thể bắn nhiều loại đạn, đầu đạn và ở nhiều tầm bắn khác nhau.

Nhờ độ bền đã được chứng thực, Israel thậm chí còn phát triển ra nhiều biến thể cho riêng họ, đồng thời cũng sử dụng chúng làm vũ khí đối phó với các cuộc tấn công khủng bố, các nhóm vũ trang đối lập trang bị những phiên bản Grad khác.

EPIK được đánh giá sẽ là một lựa chọn linh hoạt, ngay cả khi sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu cơ động như tàu thuyền cỡ nhỏ, thủy phi cơ trong môi trường tác chiến duyên hải. Do có khả năng độc lập tìm kiếm và tự động tấn công mục tiêu nên chúng có thể chỉ cần sử dụng một bệ phóng để tiêu diệt nhiều tàu thuyền cùng lúc.

Những lực lượng vận hành pháo phản lực 122mm trên thế giới hiện nay vốn đã có sẵn các đầu đạn không dẫn đường trong kho vũ khí của mình nên việc bổ sung thêm EPIK sẽ là một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với việc bỏ tiền mua mới.

Do vậy, nếu Rafael có thể đưa ra được mức giá chuyển đổi thấp, hơn 10 nước đang sở hữu các pháo phản lực 122mm kể trên sẽ là một thị trường tiềm năng với tập đoàn công nghiệp quốc phòng này và bản thân các quốc gia đó cũng có lợi xét trên khía cạnh đầu tư mua sắm mới.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad khai hỏa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại