Israel có những hệ thống phòng không nào để đối phó Iran?

Hoàng Phạm |

Israel đang chuẩn bị cho khả năng Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Tehran sẽ tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái lớn vào nước này.

Israel đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước nguy cơ bị Iran tấn công đáp trả sau cuộc không kích vào tòa nhà lãnh sự sát Đại sứ quán Iran tại Damascus (Syria) hôm 1/4 khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có các chỉ huy quân sự cấp cao.

Mỹ và đồng minh tin rằng Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của nước này sắp tổ chức tấn công lớn nhằm vào các mục tiêu quân sự và chính phủ ở Israel, sử dụng tên lửa hoặc máy bay không người lái.

Israel có những hệ thống phòng không nào để đối phó Iran?- Ảnh 1.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, ngày 8/10/2023. Ảnh: Reuters

Israel đến nay chưa thừa nhận đứng sau vụ không kích, nhưng Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố đã hoàn tất chuẩn bị cho việc ứng phó trong bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra với Iran.

Trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, Israel đã nâng cấp đáng kể hệ thống phòng không của mình, bổ sung các hệ thống mới để đánh chặn tên lửa đạn đạo bắn từ khoảng cách xa tới 2.400 km.

Phạm vi đó bao gồm Yemen, Syria và Iraq, nơi có các nhóm chiến binh liên minh với Iran, và cả lãnh thổ Iran. Theo Bloomberg, mặc dù các hệ thống mới này đã trải qua nhiều năm thử nghiệm và đạt được một số thành tích đánh chặn thành công trên chiến trường nhưng chúng vẫn chưa đối phó được với một cuộc tấn công quy mô lớn.

Các hệ thống phòng không của Israel

Hệ thống phòng không nổi tiếng nhất của Israel là Vòm Sắt (Iron Dome). Hệ thống này đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa do các nhóm vũ trang Palestine ở Gaza phóng vào Israel kể từ năm 2011. Tuy nhiên, Vòm Sắt được thiết kế để đối phó với tên lửa và máy bay không người lái ở phạm vi 4-70 km và chỉ là một trong nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến được triển khai ở Israel.

Năm 2017, Israel đã triển khai hệ thống đánh chặn tầm trung và tầm xa David's Sling do Tập đoàn Rafael Defense Industries của Israel và Raytheon Technologies có trụ sở tại Mỹ đồng phát triển. David's Sling được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cũng như máy bay không người lái ở phạm vi lên tới 200 km. Phạm vi này bao gồm cả Gaza cũng như miền Nam Lebanon, nơi có nhóm vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Hezbollah được cho là có 150.000 tên lửa, trong đó có cả tên lửa dẫn đường chính xác.

Israel cũng sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow tiên tiến, bao gồm Arrow 2 và Arrow 3. Các nhà phát triển cho biết hệ thống Arrow có thể đánh chặn tên lửa phóng từ khoảng cách lên tới 2.400 km và có thể tiêu diệt mục tiêu ngoài khí quyển Trái Đất.

Quân đội Israel mới đây cũng thông báo, phiên bản hải quân của Vòm Sắt, được gọi là C-Dome, đã tiêu diệt thành công một máy bay không người lái thù địch do lực lượng Houthi ở Yemen phóng đi. Houthi cũng là một trong những nhóm được Iran hậu thuẫn.

Quân đội Israel cũng đang thử nghiệm một hệ thống khác có tên Iron Beam (Tia Sắt), sử dụng tia laser để đánh chặn đạn bắn ở cự ly gần với chi phí thấp hơn Vòm Sắt. Tuy nhiên theo dự kiến, phải đến nửa cuối năm 2025, Iron Beam mới đi vào hoạt động.

Israel có những hệ thống phòng không nào để đối phó Iran?- Ảnh 2.

Israel xác nhận sử dụng thành công hệ thống laser Iron Beam chống lại tên lửa của Hamas. Ảnh: Rafael.

Hiệu quả của các hệ thống phòng không

Theo quân đội Israel, Vòm Sắt đã đánh chặn 90% tên lửa hướng tới các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, các hệ thống phòng không khác chỉ mới được giới thiệu gần đây và không có dữ liệu về hiệu quả thực chiến của chúng.

Quân đội Israel thừa nhận, hệ thống phòng không của họ, bao gồm cả Vòm Sắt, có thể bị áp đảo nếu một số lượng lớn đạn được phóng cùng lúc. Kể từ tháng 10/2023, các máy bay không người lái cỡ nhỏ do Hezbollah và Houthi phóng đã có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Israel.

Dù vậy, trong những năm gần đây, Israel đã ghi nhận một số màn thực chiến thành công của các hệ thống phòng không mới.

Tháng 11/2023, hệ thống Arrow 3 (do Israel Aerospace Industries và Boeing cùng phát triển) có màn thực chiến thành công đầu tiên khi bắn hạ một tên lửa của Houthi.

David's Sling cũng được ghi nhận đã đánh chặn tên lửa phóng từ Gaza trong cuộc giao tranh nổ ra vào tháng 5/2023.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, một số nước châu Âu đã tăng cường năng lực phòng không bằng công nghệ của Israel.

Đức đã đồng ý mua hệ thống Arrow 3 theo thỏa thuận trị giá 4 tỉ euro, lớn nhất trong lịch sử Israel. Phần Lan cũng mua hệ thống David's Sling vào cuối năm 2023 với giá 317 triệu euro. Ukraine bày tỏ muốn muốn mua hệ thống Vòm Sắt nhưng Israel không đồng ý vì lo ngại có thể bị rò rỉ công nghệ bí mật.

Theo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại