Câu chuyện 11 năm trước
Vào tháng 10/2007 - một tháng sau khi lực lượng không quân Israel ném bom vào vị trí lò phản ứng hạt nhân mà nước này cho là chính quyền của Bashar Assad bí mật xây dựng ở phía đông bắc Syria – Thủ tướng Israel khi đó là Ehud Olmert đã có cuộc điện đàm quan trọng với Điện Kremlin.
Thời điểm ấy Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tới Moscow để thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa NATO ở Đông Âu.
Ông Olmert sợ rằng các quan chức hàng đầu của Mỹ sẽ cập nhật thông tin cho lãnh đạo Nga về cuộc tấn công của Israel , trong đó có cả cách thức mà nước này phát hiện ra lò phản ứng, cùng chi tiết hành động quân sự được thực hiện như thế nào.
Do đó, Thủ tướng Olmert muốn nói chuyện với ông Putin trước.
Khi Tổng thống Putin chuẩn bị lên đường cho một chuyến thăm tới Iran, ông Olmert đã hỏi khi nào họ có thể gặp nhau.
"Điều quan trọng là chúng tôi muốn hội đàm trực tiếp càng sớm càng tốt", Thủ tướng Israel nói. "Ngày mai", ông Putin trả lời. Tuy nhiên, Olmert nói rằng ông không thể sắp xếp một chuyến bay tới gặp nhà lãnh đạo Nga mà chỉ có một ngày để chuẩn bị các công tác an ninh cần thiết.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert bắt tay Tổng thống Nga Putin.
Đáp lại, ông chủ Điện Kremlin nói rằng, nếu vậy chuyến thăm của ông Olmert sẽ cần phải chờ thêm vài ngày nữa cho đến khi ông trở về Nga sau chuyến thăm tới Iran.
Vào thời điểm đó, Israel cực kỳ quan tâm đến mối quan hệ ngày càng tăng của Nga với Iran. Moscow đã công bố kế hoạch cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa mặt đất S-300 tiên tiến cũng như nhiên liệu cần thiết để kích hoạt lò phản ứng hạt nhân ở Bushehr.
S-300 là cơn ác mộng của Không quân Israel - một trong những hệ thống tên lửa chống máy bay đa mục tiêu tiên tiến nhất trên thế giới. S-300 có khả năng theo dõi tới 100 mục tiêu đồng thời trong khi có thể ngăn chặn 12 mục tiêu cùng một lúc từ khoảng cách hàng trăm km, theo Jerusalem Post.
Việc triển khai hệ thống ở Iran, mà theo các quan chức cao cấp của IAF cảnh báo, sẽ làm suy yếu hoạt động của Israel trong tương lai đối với mục tiêu tiêu diệt các cơ sở hạt nhân của quốc gia này. Hầu hết giới chức trong nước khi đó đã kêu gọi ông Olmert làm mọi thứ có thể để ngăn chặn việc cung cấp S-300.
Một số quan chức khác tỏ ra ít quan tâm hơn, tuyên bố rằng nếu S-300 được giao, Israel sẽ có cách thích ứng và phát triển những biện pháp mới – về chiến thuật và công nghệ - để trung hòa hoặc hóa giải hệ thống này.
Không thể chậm trễ hơn, trong cuộc điện đàm trước ngày Tổng thống Putin sang thăm Iran, ông Olmert đã nỗ lực để chấm dứt thỏa thuận chuyển giao S-300 bằng mọi cách.
Nói với nhà lãnh đạo Nga, ông Olmert cảnh báo rằng, một quốc gia sở hữu hệ thống S-300 sẽ càng tự cho mình quyền không nể nang trước áp lực quốc tế. S-300 sẽ cho Iran sự tự tin để trở nên hung hăng hơn đối với các nước khác ở Trung Đông.
"Đừng đưa nó cho họ", ông Olmert đề nghị. Tổng thống Putin không quyết định điều gì nhưng hứa sẽ suy nghĩ yêu cầu của Israel một cách cẩn thận.
Cuộc trao đổi này diễn ra 11 năm trước, vào tháng 10/2007. Vào thời điểm đó, nỗ lực của Israel đã có hiệu quả. Cùng với áp lực từ Mỹ, Israel đã thành công trong việc chấm dứt thỏa thuận.
Nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó. Sau khi thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt ký giữa nhóm P5 + 1 và Iran vào năm 2015, Tổng thống Putin dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300. Năm 2016, Iran thông báo rằng họ đã nhận được tất cả các thành phần cần thiết, và một năm sau đó, nước này cho biết S-300 đã hoạt động.
Điều này có đồng nghĩa với việc Israel sẽ không còn cơ hội tấn công Iran? Câu trả lời cho vấn đề này là chưa chắc chắn. Theo một số nguồn tin nước ngoài, Không quân Israel (IAF) đã có các bài tập luyện với các quốc gia sở hữu S-300 để tìm cách khắc phục hệ thống.
Ngoài ra, trong khi các hệ thống tên lửa không đối không được coi là mối đe dọa lớn của máy bay, thì trên thực tế nó không phải là vũ khí có thể bảo vệ phủ kín bầu trời 100%.
Israel đang trong quá trình vận hành đội bay chiến đấu tàng hình F-35 hiện đại. Toàn bộ mục đích của việc mua những chiếc máy bay đắt tiền này là để họ có thể hoạt động tự do trên bầu trời dù bị đe dọa bởi các hệ thống tiên tiến như S-300.
Khó khăn của Israel
S-300 của Nga đang trên đường tới Syria trong thời gian hai tuần tới.
Trong tuần này, Nga đã bắt đầu kế hoạch chuyển giao S-300 một lần nữa cho người hàng xóm của Israel – Syria.
Khác với 11 năm trước, còn có những ý kiến chia rẽ về việc chuyển giao S-300 cho Iran, trong trường hợp này, gần như toàn bộ quan chức chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đều đồng tình cho rằng đây là mối nguy hại lớn.
Ông Netanyahu đang có các cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump để nhờ Mỹ can thiệp vào quyết định của Nga.
Về cơ bản, mối đe dọa S-300 đến từ Syria khác với Iran. Trong khi S-300 ở Iran sẽ là sự cản trở cho mọi kế hoạch không kích của Israel trong tương lai nhằm chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran, Syria là một câu chuyện khác.
Với phạm vi hoạt động lên đến 250 km, một tổ hợp S-300 đóng tại Syria có thể thọc sâu vào không phận của Israel. Hơn cả, sự hiện hữu của S-300 sẽ ngăn mọi hoạt động của IAF trên bầu trời Syria.
Trước đó, Israel đã khẳng định rằng họ có quyền tấn công các vị trí của Iran tại Syria và hoạt động chuyển giao vũ khí đến Hezbollah ở Lebanon.
Tuy nhiên, với S-300, Israel sẽ làm gì vào lần tới khi nhận được thông tin tình báo về một lô hàng vũ khí di chuyển gần các lực lượng Nga? Rất có thể, Israel sẽ lần đầu tiên thể hiện sự khiêm tốn của mình bằng việc im lặng.
Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai lực lượng quân sự của mình tại Syria vào năm 2015, Israel luôn cẩn thận khi nói về các hoạt động của mình ở Syria.
Thủ tướng Netanyahu thường xuyên tới Moscow để đàm phán với Tổng thống Putin và thành công trong việc thuyết phục lãnh đạo Nga cho phép Israel tự do hoạt động chống lại các mục tiêu của Iran hoặc Hezbollah.
Trong hầu hết các năm qua, Israel vẫn im lặng và chưa bao giờ lên tiếng nhận trách nhiệm về các cáo buộc thực hiện không kích trong lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, trong một động thái gây ngạc nhiên vào đầu tháng này, quân đội Israel đã tự hào tuyên bố rằng họ đã tấn công hơn 200 mục tiêu ở Syria và bắn hơn 800 tên lửa và đạn pháo vào đất nước này trong một năm qua. Đó là một sự tự hào sai lầm của Israel.
Hơn ai hết, Nga biết về tất cả các cuộc tấn công này vì họ có một thỏa thuận ngầm với Israel. Chắc chắn rằng chính quyền Putin sẽ không hài lòng khi Israel khoe khoang điều đó trên truyền thông.
Tuyên bố của Israel sẽ không khác gì việc miêu tả Moscow "yếu đuối" và không biết cách bảo vệ chính quyền Assad hay lợi ích riêng của nước này ở Syria, tờ Jerusalem Post nhận định.
Thông báo đó có góp phần vào cuộc khủng hoảng hiện tại không? Có thể. Điều chắc chắn là trong thời gian tới, bàn tay của Israel sẽ bị trói buộc nhiều hơn so với quá khứ.