Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iran , Seyyed Ahmad Hosseini, cho biết, tên lửa đẩy Zoljanah đã được phóng lên vũ trụ vào ngày 26/6, là lần thử nghiệm thứ 2 với mục đích nghiên cứu.
Zoljanah, còn được gọi là Zuljanah, sản xuất bởi Bộ Quốc phòng và được công bố vào ngày 1/2/2021, thiết kế để mang vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất thấp. Về mặt kỹ thuật, tên lửa đẩy của Iran đủ sức cạnh tranh với các tên lửa đẩy hiện đại trên thế giới, ông Hosseini cho biết.
Tên lửa có thiết kế 3 tầng; dài 25,5 m; trong đó 2 tầng đầu tiên sử dụng nhiên liệu rắn và tầng trên cùng sử dụng nhiên liệu lỏng. Đây là tên lửa đẩy mới dựa trên công nghệ động cơ nhiên liệu rắn mạnh nhất mà các chuyên gia Iran lần đầu tiên đạt được, có lực đẩy 750 tấn, có khả năng đưa vệ tinh nặng 220 kg lên quỹ đạo cách mặt đất 500 km; mặt khác có khả năng phóng từ các bệ phóng di động, theo Bộ Quốc phòng Iran.
Tehran đã lên kế hoạch thực hiện 3 vụ phóng tên lửa đẩy Zoljanah, trong đó vụ phóng đầu tiên được thực hiện vào tháng 2/2021.
Mỹ và các cường quốc phương Tây nghi ngờ chương trình tên lửa mới của Iran có thể có các ứng dụng quân sự nhưng Iran khẳng định tên lửa Zuljanah chỉ được phát triển cho mục đích nghiên cứu và hoạt động hàng không vũ trụ của họ hoàn toàn tuân thủ các nghị định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Truyền thông Iran không cho biết, thông tin chi tiết cũng như địa điểm thực hiện vụ phóng trên. Trước đó, hôm 14/6, các hình ảnh vệ tinh Maxar Technologies cho thấy một tên lửa được lắp đặt trên bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Imam Khomeini ở vùng sa mạc thuộc tỉnh Semnan, địa điểm từng thực hiện nhiều vụ phóng vệ tinh của Tehran.
Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell đến Tehran trong nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran vốn bế tắc trong nhiều tháng.
Hôm 25/6, ông Borrell cho biết, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) sẽ được nối lại tại một quốc gia vùng Vịnh Ba Tư trong những ngày tới. Truyền thông Iran bật mí, Qatar có khả năng sẽ là nước chủ trì các cuộc đàm phán.
Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian xác nhận, các cuộc đối thoại gián tiếp với Mỹ về khôi phục thỏa thuận JCPOA sẽ sớm được nối lại. Ông nhấn mạnh, phía Iran sẵn sàng đàm phán trong những ngày tới và điều quan trọng là Tehran sẽ nhận được đầy đủ các lợi ích kinh tế của thỏa thuận JCPOA. Iran cũng sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề và bất đồng thông qua các cuộc đàm phán. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cũng cho biết đã có cuộc thảo luận cụ thể và tích cực với ông Borrell về hợp tác giữa Iran và EU.
Năm 2015, Iran ký JCPOA với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, dẫn đến việc Tehran dần từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.
Kể từ tháng 4/2021 đến nay, Iran và các bên còn lại tham gia ký kết JCPOA đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại Thủ đô Vienna của Áo nhằm hồi sinh thỏa thuận này. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp thông qua EU.
Trong vòng đàm phán gần đây nhất tại Vienna (Áo) vào tháng 3, Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó có yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran và đàm phán rơi vào đình trệ.
Gần đây, Iran đã gỡ bỏ hơn hai chục máy quay của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA khỏi các địa điểm hạt nhân của mình.
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Iran theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa, ngụy trang bằng chương trình không gian cụ thể là tên lửa đẩy có công nghệ tương tự, điều Tehran luôn phủ nhận.
Hôm 26/6, Nhà Trắng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác để ngăn chặn tiến bộ hơn nữa trong chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.