Iran ký hợp đồng với Nga mua S-300PMU1, nhận phiên bản PMU2

Tuấn Vũ |

Theo nguồn tin quân sự Iran, lô tên lửa S-300 đầu tiên Nga vận chuyển đến Tehran đã cập bến nước này hôm 18/7.

Thông tin này đã được Tư lệnh Lữ đoàn Phòng không Khatam ol Anbia, Chuẩn Tướng Farzad Esmayeeli xác nhận vào chiều 18/7 và tuyên bố rằng hợp đồng giữa Iran và Nga về cung cấp hàng loạt hệ thống tên lửa S-300 cho Tehran sẽ hoàn tất vào ngày 20/3/2017. "Việc cung cấp hệ thống tên lửa S-300 vẫn tiếp tục theo hợp đồng đã thỏa thuận", ông Esmayeeli cho biết.

Nói về vai trò của S-300 với Iran khi được triển khai tại căn cứ không quân Khatam ol Anbia, Tướng Iran cho biết hệ thống có thể theo dõi và bảo vệ không phận như một phần hệ thống phòng thủ tích hợp 24/24 giờ của Iran.

Theo thông tin trong bài phát biểu hồi đầu tháng 7/2016, ông Esmayeeli đã tiết lộ rằng hệ thống S-300 sẽ bắt đầu trực chiến trong quân đội Iran từ năm 2017. "Hệ thống S-300 sẽ được lắp đặt và triển khai, nó sẽ hoạt đồng vào cuối năm 2017", Tướng Esmayeeli nói với báo giới.

Iran ký hợp đồng với Nga mua S-300PMU1, nhận phiên bản PMU2 - Ảnh 1.

Hệ thống S-300

Việc Iran tiếp nhận tổ hợp S-300PMU2 là khá bất ngờ, theo nhận định của Tạp chí Russia & India Report. Thực chất hệ thống S-300 Iran ký kết hợp đồng với Nga bấy lâu nay là PMU1 chứ không phải phiên bản PMU2 như đồn đoán. 

Tuy nhiên, Nga lại ưu tiên chuyển giao cho Tehran phiên bản mạnh nhất của S-300, động tháo này đã khiến phương Tây bất ngờ bởi sự nguy hiểm của nó, theo Russia & India Report.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 (NATO định danh là SA-10E Favorit hay là SA-20B Gargoyle) là biến thể cải tiến từ hệ thống S-300PMU1 ra mắt năm 1997. 

Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu cực kỳ quan trọng cấp nhà nước, các căn cứ quân sự chiến lược trước các cuộc tập kích bằng đường không hàng loạt bằng vũ khí công nghệ cao, máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và các vũ khí tấn công đường không khác.

S-300PMU2 bao gồm nhiều thành phần chiến đấu, đảm bảo chiến đấu, hậu cần, ví dụ như xe phóng tự hành; radar điều khiển hỏa lực; radar trinh sát nhìn vòng mọi độ cao; hệ thống quản lý chiến đấu…

S-300PMU2 được trang bị 4 loại tên lửa đất đối không gồm: 48N6E2, 48N6E, 5V55R, 5V55K cho khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly từ 3 - 195 km, đánh chặn mọi mục tiêu ở độ cao thấp nhất 10 m đến cao nhất 27 km đang di chuyển với tốc độ đến 10.000 km/h.

Hệ thống được đánh giá là có khả năng không những bắn hạ được tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà còn bắn được tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung. S-300PMU2 có khả năng dẫn cùng lúc 12 tên lửa đánh chặn 6 mục tiêu cùng lúc (tỉ lệ 2 tên lửa/mục tiêu đảm bảo khả năng hạ mục tiêu cao).

S-300PMU2 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6E2 với radar tìm kiếm mục tiêu hoạt động băng tần X. Hệ thống radar tự động hóa hoàn toàn trong quá trình phát hiện, bám bắt, xử lý mục tiêu. Radar được trang bị bộ vi xử lý kỹ thuật số tốc độ cao cho phép phản ứng với mục tiêu nhanh hơn, khả năng kháng nhiễu cao hơn.

Đài 30N6E2 Tomb Stone có phạm vi phát hiện mục tiêu 300 km, số mục tiêu theo dõi cùng lúc không dưới 100 mục tiêu, có thể kiểm soát tới 72 đạn tên lửa. Đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E có tầm phát hiện mục tiêu đến 300 km, theo dõi tới 100 mục tiêu các loại. Đài radar giám sát đường không tầm xa 64N6E2 có phạm vi trinh sát lên đến 300 km.

Đáng lưu ý, đài 64N6E2 cùng trạm kiểm soát chiến đấu 54K6E2 nằm trong hệ thống chỉ huy khí tài 83M6E2 có nhiệm vụ đồng bộ hóa tất cả các thành phần như radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe phóng trong môi trường chiến thuật thống nhất. 

Nó có khả năng kiểm soát tới 12 xe phóng cùng lúc, ngoài ra còn có khả năng điều khiển hoạt động cho các hệ thống cũ hơn như S-300PMU1, S-200, S-75 và S-125.

Nếu Iran nhận được cả hai thành phần này (hệ thống S-300PMU2 có thể hoạt động chỉ với bệ phóng, đài 30N6E2 và 96L6E) sẽ góp phần tăng cường đáng kể hệ thống phòng không khi có thể tích hợp cả S-200 và S-75.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại