Iran gửi "quà Năm mới”- IAEA lo ngại thỏa thuận hạt nhân trở về con số 0

Thu Hoài |

Hôm qua (1/1), đúng ngày đầu tiên của Năm mới 2021, Iran đã thông báo ý định sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, tức là trở về mức trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Đây được xem là bước đi đáp trả đầu tiên của Iran sau vụ nhà khoa học hàng đầu nước này Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát cách đây 2 tháng. Liên tiếp những cú sốc đang khiến thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, mà xa hơn là mọi nỗ lực nhằm ổn định Trung Đông đứng trước nguy cơ trở về con số không.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran đã gửi thư đến để thông báo ý định nâng mức làm giàu uranium lên 20% tại nhà máy hạt nhân ngầm Fordo, theo một luật mà Quốc hội Iran thông qua mới đây. Tuy nhiên, bức thư “không đề cập chính xác khi nào hoạt động này được thực hiện”.

Bình luận về thông tin này, một nhà ngoại giao phương Tây tại Vienna (Áo) cho rằng, Iran đã gia tăng sức ép với những bên tham gia ký kết còn lại lên một nấc nữa. Bản thân nước này trong suốt hơn 1 năm qua cũng đang ngày càng tự giải phóng mình khỏi những cam kết và ràng buộc được nêu trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đây cũng là kịch bản mà Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đã nhiều lần bày tỏ lo ngại.

Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi nhấn mạnh:“Tôi sẽ không đề xuất bất kỳ chính sách nào cho bất kỳ ai, bởi vai trò của tôi và cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế là thanh tra và giám sát việc thực thi thỏa thuận. Đó là thỏa thuận của họ và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng những gì tôi thấy là chúng ta đang tiến gần hơn và quay trở lại thời điểm tháng 12/12015”.

Theo báo cáo mới đây nhất của IAEA hồi tháng 11/2020, Iran đang làm giàu uraniumum lên mức cao hơn mức cam kết 3,67% theo thỏa thuận, nhưng không vượt quá ngưỡng 4,5%, và vẫn tuân thủ cơ chế kiểm soát rất nghiêm ngặt của cơ quan này. Tuy nhiên, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh hồi cuối tháng 11/2020 đã như “giọt nước tràn li” khiến tình hình ngày càng trở nên vượt tầm kiểm soát.

Cáo buộc Israel đứng đằng sau, phe cứng rắn ở Iran đã cam kết có hành động đáp trả và Quốc hội nước này mới đây cũng đã thông qua một dự luật gây tranh cãi kêu gọi sản xuất và dự trữ ít nhất 120 kg uranium làm giàu cấp độ 20% mỗi năm và chấm dứt các cuộc thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, vốn được thực hiện nhằm đảm bảo nước này không tìm cách sở hữu bom hạt nhân. Dù phản đối ý tưởng này, song chính phủ Iran mặt khác cảnh báo, phương Tây không thể yêu cầu Iran vi phạm những luật đã được quốc hội thông qua.

Thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 từng được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử, khi giúp chấm dứt một trong những hồ sơ gây tranh cãi thế giới trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên văn kiện này lại đang đứng trước nguy cơ “tan thành mây khói” sau khi chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump hồi năm 2018 rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận.

Liên tiếp những cú sốc từ việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt, Iran dần từ bỏ các cam kết đến các vụ ám sát tướng lính quân đội và mới đây đất là nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran đã khiến mọi chuyện ngày càng trở nên vượt tầm kiểm soát. Một khi Iran cụ thể hóa ý định trục xuất các thanh sát viên quốc tế và khôi phục hoạt động làm giàu uranium cấp độ 20%, vấn đề hạt nhân Iran chắc chắn sẽ một lần nữa được đưa trở lại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và mọi nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 hoàn toàn có nguy cơ "trôi sông đổ biển".

Và lúc này các bên tham gia ký kết còn lại là Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc chỉ có thể chờ đợi và hi vọng vào chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, dự kiến sẽ nhậm chức trong hơn 2 tuần nữa./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại