Nội dung chính
- Tướng Nga Sergei Shoigu tới Iran giữa tình hình nóng.
- Nhiều câu hỏi đặt ra về mục đích chuyến thăm của ông Shoigu.
- 1 "ẩn số bất ngờ" có thể được đưa ra thảo luận giữa ông Shoigu và quan chức Iran.
Tướng Shoigu tới Iran
Hãng tin Reuters ngày 5/8 đưa tin, Tướng Sergei Shoigu - người vừa rời cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào tháng 5 năm nay và sau đó được bổ nhiệm làm Thư ký Hội đồng An ninh Nga - đã có mặt tại thủ đô Tehran.
Chuyến công du của ông Shoigu tới Iran diễn ra vào đúng thời điểm căng thẳng tại Trung Đông đang tăng vọt. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh khu vực đang cận kề sau khi Iran tuyên bố sẽ tấn công trực diện vào Israel để trả đũa vụ Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở một nhà khách tại Tehran hôm 31/7.
Trong cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng các nước G7 vào ngày 4/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ dự đoán Iran và Hezbollah sẽ tấn công trả đũa Israel trong một vài ngày tới.
Truyền thông quốc tế đánh giá chuyến thăm của ông Shoigu tới Iran "gây bất ngờ". Chủ đề các cuộc thảo luận giữa Tướng Nga với loạt quan chức cấp cao Iran trở thành vấn đề gây thắc mắc nhất hiện nay.
Theo Reuters, Nga đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tehran được cho là đã cung cấp số lượng lớn tên lửa đạn đạo đất-đối-không cho Nga vào tháng 2 năm nay.
Tới tháng 6, Mỹ cho biết Moscow đang có dấu hiệu tăng cường hợp tác quốc phòng với Iran và đã nhận được từ Tehran hàng trăm máy bay không người lái cảm tử để sử dụng trong chiến dịch ở Ukraine.
Gần đây nhất, hôm 2/8, Nga đã cùng Iran lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas và cảnh báo "hậu quả cực kỳ nghiêm trọng mà hành động đó gây ra".
Nga hé lộ kế hoạch
Phần nào kế hoạch hoạt động của ông Shoigu đã được giải đáp khi tờ Izvestia (Nga) tối 5/8 cho biết, Thư ký Hội đồng An ninh Nga đã có cuộc hội đàm với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Akbar Ahmadian không lâu sau khi đặt chân tới Tehran.
Trong cuộc hội đàm, hai phía đã thảo luận các vấn đề hợp tác giữa Nga-Iran trong lĩnh vực an ninh song phương và đa phương - như trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Ông Shoigu đồng thời bày tỏ mối quan ngại với người đồng cấp Iran về tình hình đang xấu đi nghiêm trọng ở Trung Đông.
Bình luận trên kênh tin tức Absatz Media (trụ sở tại Moscow) ngày 5/8, chuyên gia khoa học chính trị Nga Farhad Ibragimov cho rằng, chủ đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh đang trở nên "cực kỳ quan trọng" đối với Iran.
"Iran rất nhạy cảm với các vấn đề liên quan tới việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến. Trong bối cảnh tình hình ngày càng tồi tệ đối với Tehran, vấn đề này (hợp tác trong lĩnh vực an ninh) đang trở nên cực kỳ quan trọng" - Ông Ibragimov nói.
Tiếp theo, Thư ký Hội đồng An ninh Nga đã có cuộc gặp với Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri, và có cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Tuy nhiên, nội dung của các cuộc hội đàm này chưa được công bố chi tiết.
Đưa ra dự đoán về các vấn đề có thể được thảo luận, ông Ibragimov cho rằng, một thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Nga-Iran có thể sẽ được đề cập.
"Quan hệ Nga-Iran đã đạt đến một tầm cao mới trong những năm gần đây, đó là quan hệ đối tác chiến lược. Vì thế, việc ký kết một thỏa thuận hợp tác toàn diện quy mô lớn giữa hai phía đang là điều được mong đợi trong chuyến công du (của ông Shoigu) lần này" - Ông Ibragimov nêu quan điểm.
Theo trang tin Topwar, Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã thông báo rằng, công tác chuẩn bị cho thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Iran đã hoàn tất và có thể sớm được hai bên ký kết.
Ẩn số bất ngờ
Trong khi đó, trả lời trang tin News.ru (Nga) ngày 5/8, ông Alexander Perendzhiev - phó Giáo sư Khoa Phân tích Chính trị và Tâm lý Xã hội tại Đại học Kinh tế Plekhanov cho rằng, ngoài những sự kiện mới nhất ở Trung Đông, một "ẩn số" mà ít người nghĩ tới có thể được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm của ông Shoigu tới Iran: Đó chính là vấn đề Armenia.
Theo ông Plekhanov, Armenia đang dần trở thành quốc gia thù địch với Nga. Nước này không giáp ranh với Nga nhưng lại giáp biên giới với Iran. Trong khi đó, các căn cứ của Mỹ và NATO - vốn là những cấu trúc chống Iran - có thể sẽ xuất hiện tại biên giới Iran-Armenia trong thời gian tới do Yerevan chuyển hướng thân phương Tây.
Vị chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện tại, Nga sẽ muốn trao đổi với Tehran về cách thức tương tác với Armenia để nước này không theo đường hướng chống Iran.
Ngoài ra, vấn đề thiết lập và đảm bảo hệ thống an ninh của hành lang vận tải quốc tế "Bắc-Nam" (đi qua Nga, Azerbaijan, Iran rồi đến Ấn Độ) đang bị đe dọa. Các nước Trung Á cũng đang tham gia hành lang vận tải này, tuy nhiên, phương Tây liên tiếp tạo ra trở ngại.
Cuối cùng, ông Perendzhiev cho rằng, các cuộc đàm phán giữa hai phía có thể bao hàm chủ đề về chống khủng bố, chống buôn bán ma túy và chống buôn lậu.