Trong đề án CPH, bên cạnh bán 17% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, Vinapharm cũng IPO hơn 42,5 triệu CP với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp.
Đối tượng tham gia là các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia. Số lượng Vinapharm bán cho người lao động là 103,000 CP, tương ứng với 0.0435% vốn điều lệ.
Doanh thu chính từ bán hàng
Vinapharm được thành lập từ năm 1971. Từ năm 2010 đến nay, Vinapharm hoạt động dưới hình thức Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Theo đó, Tcty có chức năng, nhiệm vụ đầu tư tài chính, trực tiếp sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp dược, hệ thống phân phối thuốc, xuất nhập khẩu.
Theo báo cáo đã được kiểm toán trước khi IPO, hoạt động chính của Vinapharm là đầu tư vào Cty con, Cty liên kết đem lại doanh thu lớn nhất cho Tcty.
Giá trị đầu tư của Tcty vào các Cty con, Cty liên kết theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm CPH là 1.547 tỷ đồng. Một điểm đặc biệt của Vinapharm, đó là có doanh thu được đóng góp trên 90% từ bán hàng hóa.
Năm 2014 doanh thu của Tcty tăng 19,02% so với năm 2013 và năm 2015 tăng 46,14% so với năm 2014.
Ngoài ra, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tuy chỉ chiếm khoảng 2% doanh thu, nhưng ổn định đã góp phần không nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận của Tcty.
Sở hữu quỹ tài sản khổng lồ
Nhiều DN dược thành viên của Tcty có năng lực tài chính mạnh, mạng lưới phân phối rộng khắp và nhà máy sản xuất GMP với công nghệ hiện đại như: Cty Dược phẩm OPC, Cty Dược liệu TW 2, Cty Hóa Dược Mekopha…
Theo bản cáo bạch, sau CPH giai đoạn 2015 – 2020, Tcty dự kiến đầu tư và triển khai các dự án vào các lĩnh vực trọng tâm của ngành dược như nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ dược, phát triển vùng dược liệu, sản xuất nguyên liệu dược, khám chữa bệnh…
Trong 5 năm tới, Vinaphar lên kế hoạch phát triển vùng dược liệu với quy mô hơn 30.000 ha và 1 nhà máy chiết xuất dược liệu tiêu chuẩn GMP.
Bên cạnh đó, Vinaphar đang lên kế hoạch đầu tư cho 9 dự án từ 2016-2026 với tổng số vốn 3.000 tỷ đồng. Từ 2016-2020, Vinapharm phấn đấu doanh thu tăng trưởng với mức hơn 70%/năm.
Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế là thụt lùi và cổ tức ở mức từ 2-4%, vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 2.370 tỷ đồng.
Theo lý giải của Vinapharm, phần lớn các dự án trong giai đoạn này là đầu tư và phải từ năm 2021 trở đi, khi dự án đi vào hoạt động ổn định, lãi và doanh thu sẽ tăng trưởng.
Trong danh sách tài sản chủ yếu được công bố thì Tcty hiện có tổng diện tích đất đang thuê là 9.869 m2 đất như: 3.280 m2 đất tại số 95 Láng Hạ; 2,670 m2 đất tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, HN.
Vinapharm góp vốn thương quyền và tài sản trên đất để hợp tác với Vinaconex xây dựng công trình tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư; 1.864 m2 (lô 1) và hơn 128 m2 (lô 2) đất cùng tại 12 Ngô Tất Tố, quận Đống Đa, HN; 1.236 m2 tại 178 Điện Biên Phủ, TPHCM…
Ngoài ra, Vinapharm còn có hơn 974 tỷ đồng theo giá trị sổ sách đầu tư tại 11 đơn vị liên kết và nắm giữ cổ phần dài hạn tại 8 doanh nghiệp khác.
Theo chuyên gia kiểm toán Nguyễn Trí Dũng, với quỹ tài sản lớn và những doanh nghiệp lớn trong ngành dược, thì cổ phiếu của Vinapharm đang được giới đầu tư săn đón.
Tại sao ?
Vậy tại sao Vinapharm lại chỉ chọn một nhà đầu tư chiến lược?
Theo cáo bạch khi IPO, chỉ có một nhà đầu tư chiến lược duy nhất đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPIG) với số lượng 40.29 triệu CP, ứng với 17% vốn điều lệ, giá bán 10,000 đồng/CP.
Phương thức bán cổ phần là thỏa thuận trực tiếp trước khi bán đấu giá công khai.
Số lượng cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày Vinapharm nhận được giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Được biết, VPIG có vốn điều lệ tính đến 20/07/2015 là 1.400 tỷ đồng. Cty bắt đầu hoạt động từ năm 1996 với lĩnh vực kinh doanh BĐS và vận tải hành khách công cộng, sau đó chuyển sang lĩnh vực đầu tư như sản xuất chế biến gỗ, BĐS, khoáng sản, bia và đồ uống,…
Vậy, vì sao Vinapharm lựa chọn VPIG là nhà đầu tư chiến lược? Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vinapharm không phải nhà đầu tư nước ngoài; Có thời gian hoạt động tối thiểu 10 năm.
Và là nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực Y Dược hoặc có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực Y Dược (Sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, khám chữa bệnh…) hoặc hoạt động trong lĩnh vực tài chính; là nhà đầu tư có năng lực tài chính, có vốn điều lệ tối thiểu 800 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm liên tiếp; có cam kết bằng văn bản về việc mua hết số lượng CP bán cho nhà đầu tư chiến lược…
Đặc biệt, hỗ trợ Tcty xây dựng và phát triển việc đầu tư nhà máy, sản phẩm mới, bệnh viện… nhằm hoàn chỉnh chuỗi giá trị trong ngành dược…
Theo nhìn nhận từ giới đầu tư, Vinapharm sở hữu những lợi thế ít doanh nghiệp nào có được, nhưng không hiểu sao Tcty lại chọn phương thức giao dịch thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược trước khi đấu giá công khai.
Đồng thời chiểu theo các tiêu chí lựa chọn mà Vinapharm đưa ra, VIG thực sự chưa phải là nhà đầu tư chiến lược mạnh nhất có thể giúp Vinapharm phát triển các chuỗi giá trị trong ngành dược, bởi VIG đơn thuần là doanh nghiệp hoạt động trong ngành BĐS, chế biến gỗ và vận tải công cộng.
Đặc biệt, các dự án của VIG hầu như không liên quan tới ngành dược. Vậy đằng sau giao dịch thỏa thuận này là gì, liệu Vinapharm có mất đi cơ hội tìm được nhà đầu tư chiến lược mạnh giúp ngành dược Việt Nam thực hiện mở các chiến lược mình mong muốn?
Câu hỏi đang chờ lời giải.