Indonesia sẽ điều thêm tàu chiến, máy bay đối phó Trung Quốc ở Biển Đông?

Vương Nam |

Indonesia có thể triển khai thêm nhiều tàu chiến và máy bay trinh sát ở khu vực biển Bắc Natuna nhằm đối phó với các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng của tàu Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban I, Hạ viện Indonesia – ông Sukamta – đã yêu cầu Tư lệnh quân đội Indonesia triển khai thêm nhiều tàu chiến và máy bay tới “biển Bắc Natuna” nhằm đối phó Trung Quốc.

Ông Sukamta cho rằng, Indonesia cần phải đặt vấn đề chủ quyền trên biển lên hàng đầu và việc triển khai quân sự là rất quan trọng để ngăn chặn hành vi xâm phạm của các tàu Trung Quốc.

Năm 2017, Indonesia đổi tên phần phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế nước này ở Biển Đông thành “biển Bắc Natuna”.

Ông Sukamta cho biết, phản ứng mới của Indonesia là tín hiệu để cảnh báo Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác muốn xâm nhập lãnh thổ nước này một cách bất hợp pháp.

“Hành động triển khai quân sự của chúng tôi tuân theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tuân thủ UNCLOS”.

Ông Sukamta tuyên bố, chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và quốc tế trước những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Các nước ASEAN sẽ hợp tác với nhau nhằm gây áp lực, yêu cầu Bắc Kinh dừng hành động bành trướng ở Biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Sukamta nói.

Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy Indonesia đang ngày càng nghiêm túc trong việc đối phó những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước đó, các nhà quan sát đã coi việc triển khai nhiều tàu đánh cá, tàu khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông là chiến thuật mới của nước này nhằm củng cố những yêu sách chủ quyền phi pháp.

Trung Quốc đã xây dựng một đội tàu hải cảnh đi kèm các tàu cá để quấy phá hoạt động tàu của những nước khác ở Biển Đông.

Phó Đô đốc Aan Kurnia – lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia – cho rằng, Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động “khiêu khích” Indonesia ở Biển Đông, bao gồm Chiến dịch Biển xanh năm 2020, lệnh cấm đánh bắt cá và tôn tạo trái phép các đảo nhân tạo.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại