Khu bảo tồn động vật Ishaqbini Hirola vào thứ 5 vừa rồi đã thông báo rằng con hươu cao cổ cái duy nhất trên thế giới cùng con của nó được phát hiện đã chết. Được biết, nguyên nhân cái chết là do thợ săn trộm ra tay.
Ngay sau khi không thấy hai con hươu cao cổ một thời gian dài, cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya đã ngay lập tức có mặt để giải quyết và họ tìm thấy bộ hài cốt của những cá thể trên. Các nhà chức trách suy đoán rằng chúng có thể đã bị giết cách đây ít nhất 4 tháng.
Sự việc đau lòng được phát hiện khi người ta tìm thấy xương của 2 mẹ con nhà hươu cao cổ
"Đây quả là một ngày buồn đối với cộng đồng người Ijara và Kenya, chúng tôi là những người duy nhất trên thế giới chăm nom, bảo vệ những con hươu cao cổ trắng này." - Mohammed Ahmednoor, người quản lý khu bảo tồn ở Hạt Garissa, Kenya nói trong thông báo mới nhất. Và cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya cũng đang tiến hành điều tra vụ việc trên.
Năm 2017, con hươu cao cổ này đã lần đầu tiên thu hút sự chú ý của dư luận khi là cá thể cái màu trắng duy nhất trên thế giới. Tháng 8 năm ngoái, nó tiếp tục được chú ý khi sinh một cặp hươu con cũng màu trắng. Hiện ở khu bảo tồn chỉ có một con hươu cao cổ màu trắng duy nhất còn sống sót sau vụ việc này.
Gia đình hươu cao cổ bạch tạng gồm 3 con này đã mất 2 thành viên
Được biết, gia đình 3 con hươu cao cổ này đã thu hút được rất nhiều du khách tới tham quan và chứng kiến. Video ghi hình gia đình này được đăng tải trên Youtube có lượng lượt xem lên tới con số hàng triệu.
"Đây là một mất mát lớn đối với những nhà nghiên cứu di truyền học. Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư vào nghiên cứu nay đã đổ sông, đổ bể. Và hơn thế nữa, những cá thể hươu cao cổ trắng này đang thu hút rất nhiều khách du lịch đến với khu bảo tồn." - Ahmednoor nói.
Theo cơ quan động vật hoang dã Kenya, đây là cá thể hươu cao cổ cái duy nhất trên thế giới
Leucism, hay còn gọi là chứng bạch tạng là nguyên nhân khiến những cá thể này có màu sắc kỳ lạ và độc nhất đến vậy. Đây là một dạng đột biến hiếm gặp ở động vật, dẫn tới thiếu hụt sắc tố. Kết quả là màu da của chúng có thể bị nhợt nhạt và trắng hoàn toàn.
Khác với albinism - chứng bạch tạng ở người, leucism vẫn cho phép sản sinh sắc tố tối màu, vì thế mà bạn có thể thấy mắt của những con hươu cao cổ này có màu tối.
Theo thống kê của Quỹ động vật hoang dã Châu Phi, số lượng hươu cao cổ trên toàn thế giới đã suy giảm 40% trong vòng 30 năm qua do nạn săn bắn bất hợp pháp. Mặc dù cơ quan động vật hoang dã Kenya nói rằng cá thể hươu cao cổ bạch tạng này chỉ có duy nhất 3 con trên thế giới nhưng một con cái khác cũng từng được phát hiện ở công viên quốc gia Tarangire, Tanzania vào tháng 01/2016.
Hươu cao cổ bạch tạng bị giết hại ở khu bảo tồn
(Tham khảo: CNN, BBC, SCMP)