Hungary sẽ tăng cường năng lực sản xuất năng lượng trong nước để đảm bảo đủ nguồn cung, Chính phủ nước này tuyên bố
Gergely Gulyás, Chánh Văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, đã đổ lỗi cho cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga là nguyên nhân gây ra "cuộc khủng hoảng năng lượng " ở châu Âu.
Ông nói trong một cuộc họp báo ở Budapest là "không có đủ khí đốt ở châu Âu để sưởi ấm vào mùa thu và mùa đông này.
"Chiến tranh kéo dài và các lệnh trừng phạt từ Brussels đã khiến giá năng lượng trên toàn châu Âu tăng chóng mặt. Và trên thực tế, một phần lớn của châu Âu đã rơi vào khủng hoảng năng lượng", ông Gulyás nói thêm.
Budapest cho biết, nước này sẽ tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hàng năm từ 1,5 tỷ m3 lên 2 tỷ m3. Quốc gia thành viên EU này cũng có kế hoạch tăng cường khai thác than và khôi phục hoạt động một nhà máy nhiệt điện than ở Matra.
Ngày 13/7, ông Gulyás xác nhận, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Hungary sẽ bị cấm và nhà máy điện hạt nhân duy nhất tại nước này sẽ kéo dài thời gian hoạt động để tăng sản lượng điện.
Các biện pháp, dù đi ngược lại các cam kết về khí hậu của Hungary, sẽ có hiệu lực vào tháng 8.
Hungary nhập khẩu khoảng 65% dầu và 85% khí đốt từ Nga. (Ảnh: International Affairs)
Những nội dung thông báo trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Orbán triệu tập một cuộc họp nội các để thảo luận về điều mà ông gọi là "tình trạng khẩn cấp về năng lượng" ở châu Âu.
Hungary phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga và năm 2021 đã ký thỏa thuận 15 năm với tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom để mua khí đốt tự nhiên của Nga. Hungary nhập khẩu khoảng 65% dầu và 85% khí đốt từ Nga.
Thủ tướng Hungary đã phản đối các đề xuất của EU về các biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu của Nga, cho rằng các biện pháp này sẽ làm tê liệt nền kinh tế của Hungary.
EU sau đó đã tạm thời cho phép nhập khẩu dầu từ đường ống Druzhba của Nga tới một số quốc gia không giáp biển.
Trước đó, vào ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó thông báo rằng Hungary sẽ tìm cách mua thêm 700 triệu m3 khí đốt từ một quốc gia khác.