Hùng hồn dọa rút khỏi WTO, ông Trump đang "cứa" con dao hai lưỡi vào nền kinh tế Mỹ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Một khi Mỹ đứng ngoài WTO, các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ không còn có thể dựa vào WTO để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Điều không thể tránh khỏi

Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ gây xung khắc thương mại với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ mà dường như còn chủ ý tấn công cả vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, ông Trump đã nhiều lần phê trách WTO rất nặng nề, cho rằng WTO gây nhiều thua thiệt hơn là đem lại lợi cho nước Mỹ và đòi tổ chức này phải thay đổi cơ bản, đương nhiên phải theo đổi theo suy nghĩ của ông Trump để phục vụ cho lợi ích của Mỹ.

Mới đây nhất, ông Trump doạ là Mỹ có thể sẽ ra khỏi WTO. Tham gia mới khó chứ ra khỏi tổ chức này thì dễ bởi ra khỏi WTO là quyết định chỉ của quốc gia thành viên chứ còn tham gia thì phải cần đến sự chấp thuận của tất cả các thành viên khác trong WTO.

Hùng hồn dọa rút khỏi WTO, ông Trump đang cứa con dao hai lưỡi vào nền kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Ông Trump có ý định, nhưng quyết định cuối cùng có rút nước Mỹ ra khỏi WTO hay không lại thuộc về quốc hội chứ không phải tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong lời dọa nói trên của ông Trump có cái suông nhưng cũng có chút thật, tức là người này đã tính đến việc ấy và đã bắt đầu chuẩn bị cho việc ấy, nhưng rồi đây có thật sự làm và nếu làm thì vào thời điểm nào lại là câu chuyện khác. Trước mắt, ông Trump muốn tận dụng tác động tâm lý của việc đưa ra lời doạ là sẽ rút nước Mỹ ra khỏi WTO.

WTO hiện thân cho tự do thương mại trên bình diện toàn cầu và trật tự thương mại thế giới dựa trên những chuẩn mực, nguyên tắc và tiêu chí chung được các thành viên WTO thoả thuận nhất trí với nhau.

WTO đồng thời cũng còn dùng cách thức ấy để ràng buộc lẫn nhau, tức là tất cả các thành viên đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh và thực thi đầy đủ những chuẩn mực, nguyên tắc và tiêu chí chung. Ông Trump lại là tín đồ sùng bái chủ nghĩa bảo hộ thương mại và thù ghét các thể chế quốc tế đa phương.

Cho nên việc ông Trump bất hoà với WTO là điều không có gì là khó hiểu và thậm chí còn không thể tránh khỏi.

Thật ra trong chuyện này, ông Trump chỉ tính đến những cái thua thiệt từ WTO chứ cố tình phớt lờ những quyết định của WTO có lợi cho nước Mỹ từ trước tới nay. Số liệu thống kê cho thấy WTO có phán quyết bất lợi nhưng cũng đã có nhiều phán xử rất có lợi cho Mỹ.

Ông Trump đưa ra lời doạ rút nước Mỹ ra khỏi WTO vào thời điểm hiện tại chủ yếu bởi liên quan đến cuộc xung khắc thương mại mà ông Trump đã phát động với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ.

Nhiều đối tác trong diện này đã khởi kiện Mỹ ở WTO. Ông Trump tấn công trực diện vào WTO để vô hiệu hoá những khiếu kiện ấy trước khi WTO xử lý chúng. Ông Trump còn chủ ý phát đi thông điệp từ đó là sẽ tiếp tục kiên định thực thi các biện pháp chính sách bảo hộ thương mại chứ không khoan nhượng, lại càng không chùn bước.

Thế khó của ông Trump và nước Mỹ

Hùng hồn dọa rút khỏi WTO, ông Trump đang cứa con dao hai lưỡi vào nền kinh tế Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Port of Los Angeles

Chỉ có điều là nghĩ ra việc này thì dễ chứ thực thi nó lại không đơn giản đến thế đối với ông Trump.

Hình thành trật tự và hệ thống thương mại thế giới là mục tiêu được phía Mỹ đặc biệt nỗ lực theo đuổi kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Hiệp ước Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) khi xưa hay WTO hiện tại đều có dấu ấn rất sâu đậm của Mỹ.

Phía Mỹ phải được lợi như thế nào thì mới kiên định theo đuổi lâu dài như vậy. Ông Trump có thể định nghĩa khác về lợi ích của Mỹ với WTO chứ bản chất lợi ích thật sự của nước Mỹ với WTO vì thế đã khác và sẽ khác.

Ông Trump có ý định, nhưng quyết định cuối cùng có rút nước Mỹ ra khỏi WTO hay không lại thuộc về quốc hội chứ không phải tổng thống Mỹ mà hiện tại chưa thấy có đa số trong quốc hội Mỹ thuận cho việc rút nước Mỹ ra khỏi WTO.

Hùng hồn dọa rút khỏi WTO, ông Trump đang cứa con dao hai lưỡi vào nền kinh tế Mỹ - Ảnh 3.

Việc rút nước Mỹ ra khỏi WTO khác biệt hoàn toàn về cả quy trình thủ tục pháp lý ở Mỹ so với việc rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất, thoả thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA).

Một khi đã ra khỏi WTO, Mỹ sẽ không còn có thể tác động chi phối được nữa tới luật chơi cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước trên thế giới.

Một khi Mỹ đứng ngoài WTO, các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ không còn có thể dựa vào WTO để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, nhưng lại có thể tuỳ ý đáp trả Mỹ mà không phải quan ngại gì về việc không tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc và tiêu chí chung của WTO về tự do thương mại trên bình diện toàn cầu.

Cái hại và phản tác dụng đi cùng như hình với bóng đối với Mỹ. Cho nên có thể nói ông Trump dẫu có muốn lắm thì cũng chưa thể đã dám làm ngay việc rút nước Mỹ ra khỏi WTO.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại