Theo Đại sứ Canada tại WTO Stephen de Boer: “Mục đích (cuộc gặp) là tìm ra những biện pháp cụ thể có thể giúp cải thiện, nâng cao chức năng cũng như hoạt động của WTO trong ngắn, trung và dài hạn. Đây có thể là một thảo luận mở đầu”.
Chính quyền Ottawa đã gửi lời mời đến quan chức thương mại của Úc, Brazil, Chile, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Kenya, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer biết về cuộc họp nhưng không được mời, Đại sứ Ober cho biết, đồng thời nói thêm rằng Washington mặc dù hay lên tiếng chỉ trích WTO, nhưng không đưa được bất cứ đề xuất cải cách nào.
Tổng thống Donald Trump trước đó từng công kích WTO, cho rằng tổ chức này không giải quyết được những vấn đề gây ra bởi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc.
Ông còn đang thách thức những luật lệ vận hành hệ thống thương mại toàn cầu bằng cách đánh thuế nhiều đối tác cũng như ngăn chặn việc bổ nhiệm người cho Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng không được mời đến Canada. Không ít thành viên WTO chia sẻ quan ngại của Tổng thống Mỹ về những hành vi thương mại không lành mạnh của quốc gia châu Á, như lấy cắp tài sản sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo hộ một số ngành nghề hay gây ra tình trạng dư thừa hàng hóa.
Tuy nhiên, họ không đồng tình với cách phản ứng của Mỹ, mà thay vào đó tìm biện pháp cải cách WTO từ bên trong.
Ủy ban châu Âu (EC) đầu tháng này đã cho lưu hành một đề xuất nhằm giải quyết vấn đề mà hai nền kinh tế hàng đầu mang lại. Đề xuất hướng đến chấm dứt ngăn chặn của Mỹ trong công tác bổ nhiệm, xây dựng nhiều quy định mới nhằm đối phó hành vi thương mại không công bằng, tái định hình chức năng giám sát lẫn thảo luận của WTO.