Cựu TT Pháp: Ông Putin từng đe dọa "nghiền nát" quân đội Ukraine vì quá tức giận ông Poroshenko

Hồng Anh |

Theo cựu Tổng thống Pháp François Hollande, trong một cuộc khẩu chiến quyết liệt với ông Poroshenko, ông Putin đã "nói hớ" về tình hình Đông Ukraine.

Cựu Tổng thống Pháp tiết lộ ông Putin 'nói hớ'

Trong cuốn hồi ký mới ra mắt đầu năm nay, cựu Tổng thống Pháp François Hollande tiết lộ, hồi năm 2015, ông từng chứng kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin "nói hớ" khi tranh cãi với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko trong quá trình 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức thảo luận về thỏa thuận Minsk.

Năm 2014, bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

Theo Business Insider, cũng vào thời điểm đó, Moskva bắt đầu hậu thuẫn phe ly khai ở miền Đông Ukraine thông qua chiến tranh thông tin, trực tiếp cung cấp vũ khí, và triển khai các chiến binh người Nga đóng giả làm lực lượng ly khai ở Ukraine.

Các chuyên gia phương Tây gọi chiến dịch này của Nga là "chiến tranh lai" - với chiến lược đa dạng chứ không chỉ đơn thuần là động binh, như gây sức ép về kinh tế, tuyên truyền tin giả... nhưng Nga luôn phủ nhận các cáo buộc này.

Tuy nhiên, theo hồi ký của ông Hollande, trong một cuộc khẩu chiến nảy lửa với Tổng thống Ukraine Poroshenko hồi năm 2015, Tổng thống Putin đã tức giận đến mức ông buột miệng nói ra vai trò của Nga trong xung đột ở Đông Ukraine.

"Poroshenko và Putin liên tục lớn tiếng với nhau. [Sau đó] Tổng thống Nga đã tức giận đến nỗi ông này bắt đầu đe dọa sẽ 'nghiền nát' lực lượng quân đội của đối phương", ông Hollande viết trong cuốn hồi ký mang tên "The Lessons of Power" (Tạm dịch: Những bài học của quyền lực), Business Insider trích dẫn bản dịch của trang UAWire.org.

"Sau khi nhận ra câu nói trên có thể xác minh sự hiện diện của quân đội Nga ở Đông Ukraine, ông Putin đã cố gắng kiềm chế bản thân", cựu Tổng thống Pháp viết.

Tuy nhiên, theo ông Hollande, sau đó ông Putin vẫn tiếp tục có biểu hiện thiếu nhất quán về tình hình ở Đông Ukraine. Trong khi ông Poroshenko khẳng định chủ quyền của Ukraine ở Donbass, thì ông Putin lại đề nghị cho khu vực Đông Ukraine tự trị, và cố gắng trì hoãn thỏa thuận ngừng bắn thêm 3 tuần nữa.

Cuối cùng, đến 7 giờ sáng hôm sau, hai bên mới đưa ra được một thỏa thuận tạm vừa ý với ông Putin, ông Hollande viết.

Cựu TT Pháp: Ông Putin từng đe dọa nghiền nát quân đội Ukraine vì quá tức giận ông Poroshenko - Ảnh 2.

Thỏa thuận Minsk được kí kết giữa Bộ tứ Normandy: (từ trái qua phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel. và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Trong cuốn hồi ký, cựu Tổng thống Pháp cũng cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm trong thảm kịch máy bay MH17:

"Vài tháng trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, vào tháng 7/2014, tên lửa của phe ly khai do Nga hậu thuẫn tại Đông Ukraine đã vô tình bắn trúng chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia trong không phận Donetsk, khiến 298 hành khách thiệt mạng, trong đó có 80 trẻ em".

Các cuộc xung đột đẫm máu vẫn tiếp diễn tại khu vực Đông Ukraine. Trong hơn 4 năm qua, cuộc chiến này đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng. Hiện chính phủ Nga vẫn khẳng định không liên quan đến cuộc xung đột này.

Phản ứng của Moskva

Theo Sputnik, vừa qua ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, đã lên tiếng về những chi tiết trong cuốn hồi ký của cựu Tổng thống Pháp François Hollande. Ông này khẳng định các chi tiết trên không đúng sự thật, và Tổng thống Putin chưa bao giờ nói ra những điều đó.

"Tôi đã tham dự hầu hết các cuộc đàm phán [trong quá trình thảo luận về thỏa thuận Minsk], nhưng tôi chưa từng nghe ngài Tổng thống nói ra những lời đó", ông Peskov trả lời báo giới hôm 31/8 vừa qua.

Tuy nhiên, ông Peskov vẫn nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của công dân Nga trên toàn thế giới:

"Tổng thống Putin vẫn giữ quan điểm chặt chẽ và lập trường rõ ràng trước vấn đề hỗ trợ, bảo vệ những công dân Nga có nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành động thù địch hay các cuộc tấn công của những kẻ cực đoan".

Phát ngôn viên Peskov khẳng định Moskva luôn tôn trọng những giới hạn và luật lệ của các cuộc đàm phán, bao gồm cả về Ukraine, bất kể cuộc đàm phán đó khó khăn đến mức nào.

Đồng thời ông này cũng lên án hành động "cực kì không đúng đắn" của cựu Tổng thống Hollande. Thông thường những câu chuyện theo dạng "tiết lộ" như vậy chỉ được phép công bố khi tất cả những nhân vật liên quan đều đã nghỉ hưu và kết thúc sự nghiệp chính trị của họ, theo ông Peskov.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại