Người Mỹ làm việc trong bộ phận nghiên cứu và phát triển ở trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến đã buộc phải về nước từ cách đây 2 tuần, sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách cấm vận, Financial Times dẫn lời kiến trúc sư chiến lược của Huawei Dang Wenshuan cho biết.
Khi có thông báo, một workshop (hoạt động trao đổi thông tin, kiến thức) đang diễn ra đã nhanh chóng được giải tán. Đoàn đại biểu Mỹ được yêu cầu mang theo máy tính của mình, ngắt kết nối mạng lưới và rời khỏi công ty.
Huawei cũng được cho là đã tiến hành những thay đổi nhất định để đảm bảo rằng tương tác giữa các văn phòng ở Trung Quốc và Mỹ tuân thủ theo "danh sách thực thể" - theo đó các công ty Mỹ phải được chính phủ cho phép nếu muốn bán linh kiện cho Huawei.
Theo FT, Huawei có nhiều biện pháp nhằm hạn chế liên lạc giữa nhân viên và công dân Mỹ. Được biết, công ty viễn thông Trung Quốc còn kiểm tra xem khách nước ngoài tới công ty có hộ chiếu Mỹ hay không và cảnh báo những người có hộ chiếu Mỹ không được đề cập tới các chủ đề liên quan tới công nghệ trong các cuộc hội thoại riêng.
"Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi không biết giới hạn của luật pháp, chúng tôi phải rạch ròi mọi chuyện", Dang nói với FT.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ vì tìm cách "sử dụng tất cả các biện pháp có thể" để khiến Huawei trở thành một vấn đề an ninh và phóng đại mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với chính phủ Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo, chuyên viên pháp lý của Huawei Song Liuping cũng chỉ trích Mỹ và cho rằng Washington đang sử dụng an ninh mạng làm cái cớ để đạt được những mục tiêu khác bởi họ không cung cấp được bằng chứng khi cáo buộc Huawei là mối đe dọa an ninh.
"Các chính trị gia ở Mỹ đang sử dụng sức mạnh của cả một đất nước để đối phó với một công ty tư nhân. Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng cho thấy Huawei là một mối đe dọa an ninh", Song nói.
"Chỉ là đồn đoán. Chúng tôi tin rằng chính trị gia Mỹ đang sử dụng an ninh mạng làm cái cớ để có được sự ủng hộ từ công chúng đối với những hành động được thiết kế để đạt mục đích khác. Những hành động này sẽ không khiến mạng lưới bảo mật hơn. Họ tạo ra một cảm giác bảo mật sai lệch và chuyển hướng chú ý khỏi những thách thức thật sự mà ta phải đối mặt".
Ông Song nhấn mạnh rằng động thái của Mỹ có thể tác động trực tiếp tới hơn 1.200 công ty Mỹ và ảnh hưởng tới hàng chục nghìn việc làm ở Mỹ.
Theo sắc lệnh hành pháp, Huawei và 70 đơn vị liên kết đã bị Mỹ đưa vào một danh sách đen - được biết tới với tên gọi Danh sách Thực thể - và bị cấm thu thập công nghệ, cũng như linh kiện từ công ty Mỹ mà không có sự đồng ý của chính phủ Mỹ.
Kết quả là Google đã chấm dứt hoạt động với Huawei, bao gồm cả việc chuyển giao toàn bộ phần cứng, phần mềm, dịch vụ kỹ thuật. Điện thoại Huawei, vốn chạy trên hệ điều hành Android của Google dự kiến sẽ không thể tiếp cận được bản nâng cấp của một số ứng dụng nhất định, tuy nhiên, các thiết bị đang có sẵn sẽ an toàn trước các hạn chế trong tương lai.