Đầu tháng này, có thông tin cho rằng BYD đã đệ trình đề xuất đầu tư trị giá 1 tỷ USD để chế tạo ô tô điện và pin ở Ấn Độ với sự hợp tác của một công ty địa phương. Cụ thể, BYD và công ty tư nhân Megha Engineering and Infrastructures đã đệ trình một đề xuất lên các cơ quan quản lý Ấn Độ để thành lập một liên doanh xe điện.
Nguồn tin giấu tên cho biết kế hoạch dài hạn là sản xuất đầy đủ các dòng xe điện thương hiệu BYD ở Ấn Độ, từ xe hatchback đến các mẫu xe hạng sang.
BYD hiện nay là nhà sản xuất xe điện và xe hybrid lai điện lớn nhất thế giới. Công ty trước đây cho biết họ có kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất tại Ấn Độ - hiện là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới.
Đề xuất đầu tư cũng bao gồm kế hoạch của BYD và Megha Engineering nhằm thiết lập các trạm sạc ở Ấn Độ, đồng thời xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển và đào tạo.
Tuy nhiên, đề xuất đầu tư của họ đã bị Ấn Độ từ chối. Lý do là vì đề xuất được đưa ra vào thời điểm Ấn Độ đang tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc.
Thời báo Kinh tế của Ấn Độ dẫn lời một quan chức cho biết rằng những lo ngại về an ninh đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã được đề cập trong các cuộc thảo luận.
Great Wall Motor, công ty cũng có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Ấn Độ, đã thất bại trong nỗ lực mua lại nhà máy của General Motors sau khi không nhận được sự chấp thuận của chính phủ để hoàn tất thương vụ. Chính phủ cũng đang điều tra MG Motor Ấn Độ, một đơn vị của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc SAIC Motor.
Việc Ấn Độ chuyển sang sử dụng xe điện đang bị tụt hậu so với các quốc gia khác như Trung Quốc và Mỹ, bị cản trở bởi chi phí trả trước cao và thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện.
BYD đã gia nhập thị trường Ấn Độ năm 2007, sản xuất pin và linh kiện cho các nhà sản xuất điện thoại di động. Vào năm 2013, họ bắt đầu chế tạo xe buýt điện với Megha Engineering, thuộc công ty liên doanh Olectra Greentech.
BYD bán được tổng cộng 1,86 triệu phương tiện vào năm 2022. Tại Ấn Độ, xe điện chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số 3,8 triệu xe bán ra vào năm 2022 nhưng Chính phủ muốn phát triển điều này lên 30% vào năm 2030.
Tham vọng của BYD là sẽ thống lĩnh các thị trường mới nổi, gồm châu Âu, Đông Nam Á và Nam Á. Trong đó, thị trường châu Âu và Đông Nam Á đang rất thuận lợi với hãng xe đến từ Trung Quốc. Ngay đầu năm 2023, BYD đã công bố kế hoạch tiến đến thị trường châu Âu, bao gồm cả ở Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Pháp và Vương quốc Anh, sẵn sàng xây nhà máy lớn.
Tại Đông Nam Á, BYD đang xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên ở Thái Lan với công suất 150.000 xe/năm. Bên cạnh đó, họ cũng đang xem xét đặt thêm nhà máy ở một quốc gia lân cận khác như Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Tham khảo: SCMP