“Hợp đồng tình ái” của Hoa hậu Phương Nga có được coi là hợp pháp?

LUẬT SƯ NGUYỄN ĐỨC CHÁNH |

Vụ án hoa hậu Phương Nga bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông C.T.M. (Giám đốc một Cty ở TP HCM) với số tiền 16,5 tỷ đã thu vừa được TAND TPHCM xét xử và trả hồ sơ để điều tra lại đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì bị cáo từng là người của công chúng, người nổi tiếng. Mặt khác, xưa nay quan hệ giữa "đại gia" và "chân dài" luôn chứa đựng nhiều vấn đề "bí ẩn" khi "cơm không lành, canh không ngọt".

Theo thông tin từ các báo, ngay trong lời khai tại phiên toà, bị cáo đã tạo ra "cú sốc" khi thừa nhận giữa bị cáo và bị hại có "hợp đồng tình ái" với giá trị là 16,5 tỷ.

Bị cáo cũng khai trong "hợp đồng tình ái" này có điều khoản Nga phải quan hệ tình cảm 7 năm, thời gian đó không được phản bội lại ông M., nếu vi phạm cô sẽ phải trả lại toàn bộ tiền hợp đồng cho vị đại gia này.

Và ông M. cũng đã thực hiện hợp đồng là chuyển tiền và thường xuyên đến căn hộ của Nga thuê để sống chung, thường là vào buổi trưa hoặc chiều hàng ngày, sau 23h ông M. lại về nhà với vợ con.

Mỗi tháng 2 lần, ông M. lấy cớ đi công tác để đưa Nga đi du lịch.

Ngoài Nga, bị cáo Dung khai là biết hết mọi chuyện. Sự thật là Nga và ông M. có tình cảm và hợp đồng thật. Nhưng sau khi đổ vỡ, để trả thù và đòi lại tiền, ông M. đã biến hợp đồng đó thành mua bán nhà để vu cho Nga tội lừa đảo.

Để minh chứng cho lời nói của mình, Dung và Nga đọc địa chỉ email còn lưu lại hợp đồng tình cảm để cơ quan tố tụng kiểm tra.

Nếu lời khai của Nga, Dung là đúng thì theo quy định pháp luật "hợp đồng tình ái" này có hợp pháp hay không?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo Điều 122, BLDS 2005 thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Đối chiếu với thoả thuận trong "hợp đồng tình ái" như bị cáo Nga khai thì rõ ràng giao dịch này vi phạm đạo đức xã hội, nên nó được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127, 128 BLDS 2005.

Về chứng cứ chứng minh trong vụ án hình sự, nếu tình tiết "hợp đồng tình ái" này là có thật, chứng minh được, thì việc cáo buộc bị cáo Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phá vỡ.

Nhưng đến thời điểm này thì tình tiết này mới chỉ là lời khai từ các bị cáo nên sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra lại.

Tuy nhiên, như bị cáo Nga khai là "hợp đồng tình ái" này được lập thành 01 (một) bản và ông M giữ, còn Dung thì chỉ thấy sơ qua, không lưu giữ bản nào.

Việc lưu giữ trên email nếu chỉ là nội dung văn bản (dạng text) và cũng như việc không thể hiện đã gửi qua email của ông, thì khó có thể chứng minh có "hợp đồng tình ái" này.

Bởi lẽ, việc đánh giá chứng cứ theo nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" nên chỉ có lời khai mà không có chứng cứ khác chứng minh lời khai là có căn cứ, thì Hội đồng xét xử cũng sẽ khó chấp nhận lời khai này.

Chưa rõ vụ án rồi sẽ kết thúc như thế nào, nhưng chắc một điều rằng khi người ta nhắc đến mâu thuẫn giữa "đại gia" với "chân dài" thì đây là một thí dụ điển hình và là bài học cho nhiều người về ý thức bảo vệ mình trước pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại