Việt Nam đã trở thành Á quân xuất khẩu của thế giới ở một mặt hàng quan trọng là giày dép. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 12,4% so với tháng 3/2024. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta thu về hơn 6,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm sáng của xuất khẩu giày dép là các thị trường đều đang tăng nhập khẩu mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm. Xét về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam với hơn 2,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 559 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trên thế giới, Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu giày dép với sản lượng đạt 7,402 tỷ đôi, chiếm 61,1% thị phần.
Đáng chú ý xuất khẩu sang thị trường chủ lực Hà Lan – thị trường lớn thứ 3 của giày dép Việt Nam đạt hơn 493 triệu USD, tăng mạnh 62% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh 3 thị trường chủ đạo trên, hiện giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 150 thị trường, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.
Trong năm 2023, dù gặp nhiều thách thức, xuất khẩu giày dép của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 thế giới với số lượng chiếm hơn 10% thị phần. Theo Tổng cục Hải quan, hết năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép cả nước mang về hơn 20,24 tỷ USD. Mặc dù sụt giảm 3,66 tỷ USD so với mức cao kỷ lục của năm 2022 nhưng giày dép vẫn nằm trong nhóm ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam.
Trong hơn 2 năm qua, nhiều nhà máy sản xuất giày dép từ Trung Quốc và một số nước khác đã dời về Việt Nam. Một số nhãn hàng giày dép quốc tế cho hay, trong thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam vì có nhiều yếu tố thuận lợi như lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, các nhà máy từng bước đổi mới công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, địa chính trị ổn định và các chính sách liên tục được đổi mới theo hướng tạo thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay các nước nhập khẩu giày dép lớn đều đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR – mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM -Cơ chế định giá carbon). Chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt là với những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh; điển hình như Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024); Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp năm 2024….; đồng thời tiếp tục đổi mới và triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.