Công ty Toyota Nhật Bản đã ngừng hoạt động tại Nga. Ảnh: AFP
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) dẫn thống kê của Công ty Phân tích dữ liệu Teikoku Databank công bố trong tháng này cho biết trong số 168 công ty niêm yết của Nhật Bản tại Nga, chỉ có 74 công ty (chiếm 44%) tuyên bố ngừng hoạt động hoặc rời bỏ Nga. Trong số đó, chỉ có 6 công ty - bao gồm công ty năng lượng ENEOS, NTT Data và Fanuc - đã rút hoàn toàn khỏi thị trường này.
Trong khi đó, thống kê chỉ ra 27% số doanh nghiệp Mỹ, 33% doanh nghiệp Canada và 46% doanh nghiệp Anh đã rời hoàn toàn khỏi thị trường này.
Một số công ty Nhật Bản tạm ngừng hoạt động tại Nga hy vọng họ có thể quay trở lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo ngại về tổn thất của quyết định này. Các công ty Nhật Bản sản xuất ô tô cho thị trường địa phương nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Toyota Motor và Nissan Motor.
Theo tờ Yomiuri, Mitsubishi Motors đã báo cáo khoản lỗ bất thường 59,2 triệu USD trong năm tài chính tính đến ngày 31/3, sau khi ngừng sản xuất tại nhà máy liên doanh ở tỉnh Kaluga, miền tây nước Nga.
Phớt lờ lời kêu gọi rời bỏ Nga, nhiều doanh nghiệp khác vẫn quyết định ở lại thị trường này - bao gồm Mitsubishi Electric, Japan Tobacco, Nintendo, Toridoll Holdings và Hitachi. Hãng xuất lốp xe Yokohama Rubber đã tạm ngừng hoạt động tại nhà máy ở Nga vào tháng 3, nhưng gần đây đã nối lại sản xuất. Một quan chức cho biết quyết định ngừng sản xuất ban đầu của công ty là do thiếu nguyên liệu thô, nhưng hiện tại, khi chuỗi cung ứng được khôi phục, công ty đã khởi động lại dây chuyền sản xuất.
Quan chức này từ chối bình luận về lý do tại sao Yokohama Rubber lại quyết định sản xuất tại Nga, cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với hoạt động hoặc kế hoạch tương lai của họ tại Nga.
Các công ty khác lựa chọn ở lại cũng tỏ ra hết sức thận trọng về các chính sách của họ ở quốc gia này. Giám đốc điều hành của một công ty Nhật Bản giấu tên cho biết: “Đối với hầu hết các công ty Nhật Bản, hoạt động của họ ở Nga tương đối nhỏ và họ có thể rút khỏi thị trường này. Nhưng chúng tôi không thể lựa chọn con đường đó. Chúng tôi có những nhân viên giỏi ở Nga, họ đã làm việc cho chúng tôi trong nhiều thập kỷ. Hoạt động của chúng tôi cũng không gây tác động đến cuộc xung đột hay các lệnh trừng phạt. Nếu rút khỏi thị trường này, nhân viên của chúng tôi ở đó sẽ mất việc”.
Ông Yakov Zinberg - Giáo sư quan hệ quốc tế chuyên về các vấn đề Đông Á tại Đại học Kokushikan của Tokyo - cho biết ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản là lợi nhuận kinh tế của đất nước. Ông giải thích: “Tất cả đều phụ thuộc vào lợi nhuận tài chính của các công ty. Ukraine quá xa để mọi người nghĩ đến, nó không thực sự ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của các công ty này và đối với họ, điểm mấu chốt đó chính là điều quan trọng nhất cần cân nhắc.”
Giáo sư Zinberg nói thêm rằng các công ty Nhật Bản nhỏ phần lớn sản xuất theo đơn đặt hàng của các tập đoàn lớn hơn, và các tập đoàn đó thường hoạt động theo chỉ thị từ chính phủ. Ông cũng tiết lộ Mitsubishi Corp và Mitsui & Co đã hợp tác với Nga trong dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2 trên đảo Sakhalin ở Viễn Đông của Nga.
Ông Zinberg cho biết trong khi các phương tiện truyền thông Nga đã chỉ trích các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga, họ khá im lặng về Nhật Bản. “Đối với tôi, điều này cho thấy rằng Chính phủ Nga đánh giá cao việc có rất nhiều công ty Nhật Bản quyết định ở lại Nga và tham gia vào dự án trên”, ông nói.