Kế hoạch của Na Uy
Financial Times cho biết, theo các nước láng giềng của Na Uy, kế hoạch hạn chế xuất khẩu điện của quốc gia này trong bối cảnh châu Âu phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng là một hành động ích kỷ và nguy hiểm, có thể mang lại lợi ích cho Nga.
Các nhà điều hành lưới điện của Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển đã lập tức cảnh báo Na Uy rằng đề xuất ngừng xuất khẩu điện của nước này trong bối cảnh Oslo lo ngại về an toàn trong sản xuất thủy điện, có khả năng làm suy yếu thị trường châu Âu.
"Đây sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu làm điều này trong lĩnh vực điện. Đó sẽ là một bước đi rất nguy hiểm và mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa. Đó là hành động ích kỷ," Giám đốc điều hành cơ quan vận hành lưới điện Phần Lan Fingrid, ông Jukka Ruusunen nói với Financial Times.
"Nếu chúng ta không cùng nhau hành động, Nga sẽ hưởng lợi. Cách tốt nhất để giúp Nga là không hợp tác," ông nói thêm.
Lời chỉ trích nhấn mạnh cách mà cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã làm gia tăng căng thẳng giữa các đồng minh truyền thống, khi giá điện và giá năng lượng ở khu vực này tăng cao sau sự kiện ở Ukraine hồi tháng 2.
Khói hơi bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Niederaussem ở Đức. Ảnh: Getty Images
Financial Times nhận định, là nhà sản xuất xăng dầu lớn nhất Tây Âu, Na Uy sẽ thu về số tiền kỉ lục từ việc bán dầu, khí đốt và điện trong năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh những lo ngại về việc châu Âu sẽ đối phó với mùa đông sắp tới như thế nào ngày càng tăng cao, thì đề xuất của Na Uy về việc hạn chế xuất khẩu điện để tăng cường an ninh về nguồn cung của mình đã gây ra bức xúc.
"Tồn tại mối nguy hiểm trong bất cứ biện pháp mang tính quốc gia nào trong những tình huống như thế này. Các nước khác có thể nói rằng, Na Uy làm được thì chúng tôi cũng vậy. Đó đó, tôi nghĩ, đây là cách tiếp cận sai lầm," Johannes Bruun, giám đốc thị trường điện tại Energinet, nhà điều hành lưới điện của Đan Mạch, cho biết.
Na Uy nói gì?
Andreas Bjelland Eriksen, quốc vụ khanh Bộ Dầu khí và Năng lượng Na Uy, xác nhận rằng nước này đang xem xét một cơ chế có thể hạn chế hoạt động thủy điện và chính vì thế, hạn chế xuất khẩu, khi các hồ chứa cung cấp năng lượng cho các cơ sở thủy điện của họ đang "giảm xuống mức rất thấp".
Ông cũng nói thêm rằng, bất kỳ cơ chế nào cũng phù hợp với "nghĩa vụ" (của nước này) đối với châu Âu và sẽ giúp "ổn định toàn bộ hệ thống điện tích hợp".
Tuy nhiên, những quốc gia láng giềng của Na Uy không đồng tình. Ông Jukka Ruusunen nhấn mạnh rằng Na Uy đã kiếm được rất nhiều tiền sau sự kiện ở Ukraine. Việc cắt giảm xuất khẩu điện sẽ làm chia rẽ thị trường và "cuối cùng, tất cả mọi người đều thua cuộc," ông nói.
Na Uy muốn thể hiện mình là một nhà cung cấp xăng dầu đáng tin cậy sau khi thay thế Nga trở thành nguồn cung khí đốt lớn nhất cho châu Âu. "Nếu họ làm điều này, toàn bộ thương hiệu của Na Uy sẽ bị ảnh hưởng. Độ đáng tin là một trong những thành phần quan trọng," ông Ruusunen nói.
Ông Trygve Slagsvold Vedum
Trygve Slagsvold Vedum, Bộ trưởng Tài chính Na Uy, đã tìm cách xoa dịu nỗi lo ở Helsinki và Stockholm bằng cách chỉ ra rằng các nước này sẽ nhận được điện từ phía Bắc của Na Uy, nơi mực nước hồ chứa cao và giá cả thấp - không giống như ở phía Nam của đất nước, nơi cung cấp điện cho Đan Mạch, Đức, Anh và Hà Lan.
Nhưng Ruusunen đưa ra lập luận ngắn gọn, nói rằng, chỉ có một đường dây cung cấp điện "rất yếu" và "rất nhỏ" ở phía Bắc.
Chính phủ Na Uy đang chịu áp lực phải hành động nhiều hơn nữa để giảm bớt giá điện đang tăng trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang khó khăn ở miền nam đất nước.