Đội cứu hộ khẩn cấp lội qua vùng nước lũ ở Đông Bắc Jackson ngày 29/8. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, nhiều khu vực tại thành phố Jackson rơi vào tình cảnh không có nước trong ngày 30/8 sau khi lũ lụt đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại lâu nay ở một trong hai nhà máy xử lý nước của khu vực. Thành phố với 150.000 người đã được thông báo phải đun sôi nước lấy từ máy suốt 1 tháng qua do Bộ Y tế phát hiện nước nhiễm vẩn đục gây ra các vấn đề về tiêu hóa.
Ông Derek Emerson – chủ một nhà hàng trong thành phố - chia sẻ các vấn đề về nước đang khiến chúng tôi không thể tiếp tục công việc kinh doanh. Vợ chồng ông cho biết họ đã chi 300 USD/ngày để mua đá và nước đóng chai trong tháng 8.
“Tôi thích làm việc tại Jackson và yêu mến con người ở đây. Chỉ là tôi không thích lúc nào cũng gặp vấn đề về nước”, Emerson bày tỏ.
Chiều 29/8, Thống đốc bang Tate Reeves đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với hệ thống cấp nước của thành phố Jackson. Chính quyền bang sẽ tìm cách giải quyết vấn đề thông qua việc thuê các nhà thầu để làm việc tại cơ sở xử lý nước.
Thị trưởng thành phố Chokwe Antar Lumumba cho hay hệ thống cấp nước của Jackson gặp vấn đề do thiếu nhân viên và hàng chục năm trì hoãn công tác bảo trì. Nhà chức trách này giải thích lượng nước lớn từ trận mưa xối xả đã làm thay đổi thành phần hóa học cần được xử lý, làm chậm quá trình đưa nước đến cho người dân.
Ông Lumumba – một đảng viên Đảng Dân chủ - cho biết ông đang có các cuộc thảo luận hiệu quả với Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Mississippi để cùng nhau tìm ra giải pháp.
Nhân viên cứu hộ chuyển nước đóng chai cho người dân. Ảnh: AP
Các nhà hàng phải mua đá và nước đóng chai để phục vụ thực khách thay vì lấy nước uống từ vòi. Ảnh: AP
Áp lực nước thấp khiến một bộ phận người dân không thể tắm hoặc xả nước trong nhà vệ sinh. Các quan chức lo ngại áp lực thấp còn ảnh hưởng đến công tác cứu hỏa. Người dân được yêu cầu đun sôi nước chảy từ vòi để diệt vi khuẩn có thể gây bệnh.
Các trường học ở Jackson đã phải chuyển sang học trực tuyến trong ngày 30/8. Một số nhà hàng phải đóng cửa.
Trả lời báo giới cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thông báo chính phủ liên bang đã chuẩn bị để giúp Mississippi ứng phó với cuộc khủng hoảng nước.
"Chúng tôi đã sẵn sàng và chúng tôi mong muốn hỗ trợ thêm ngay khi nhận được yêu cầu chính thức từ chính quyền bang", bà Jean-Pierre nói với các phóng viên khi di chuyển trên Không lực Một. Trước đó, bang Mississippi đã không yêu cầu Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) giúp đỡ vận chuyển nước uống bằng đường bộ và từ chối cho biết lý do. Nữ Thư ký báo chí Jean-Pierre cho biết các quan chức Nhà Trắng đã tiếp xúc với các quan chức địa phương và Bộ Y tế bang.
Về phần mình, sau khi tuyên bố thảm họa liên bang, Thống đốc Reeves cho biết Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Mississippi sẽ bắt đầu phân phối nước uống và nước không uống được tới người dân. Ông cũng kích hoạt việc điều động Lực lượng Vệ binh Quốc gia để trợ giúp. Thị trưởng Lumumba cho hay tình trạng áp lực nước thấp có thể kéo dài vài ngày.
Tương tự như nhiều thành phố khác, Jackson phải đối mặt với các vấn đề về hệ thống nước mà không thể tự khắc phục. Khoản đóng góp thuế từ người dân suy giảm trong vài thập kỷ qua khi dân số giảm. Bên cạnh đó, 80% dân số của thành phố là người da màu, với khoảng 25% người dân sống trong cảnh nghèo đói.
Một đợt rét đậm vào năm 2021 khiến một số lượng đáng kể người dân không có nước sinh hoạt sau khi các đường ống bị đóng băng. Vấn đề tương tự đó đã xảy ra một lần nữa vào đầu năm nay, với quy mô nhỏ hơn.
Tuần trước, Thị trưởng Lumumba thông báo việc sửa chữa hệ thống nước của Jackson có thể tốn hàng tỷ USD. Mississippi đang nhận được 75 triệu USD như một phần của dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng để giải quyết các vấn đề về nước.
Bernard Smith, một người dân ở Jackson, cho biết anh đã đổ đầy nước vào các thùng chứa vào đêm 29/8 để đề phòng trường hợp nhà anh mất nước. Anh hy vọng chính quyền thành phố Jackson đang đi đúng hướng để giải quyết các vấn đề về nước của mình.