Đảo Guna Yala nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông của Panama, có diện tích rơi vào tầm 2306km2.
Đây là một dải đất hẹp, dài 373km, chủ yếu nuôi các cư dân bằng ngư nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dệt may thủ công.
Nhưng lý do chúng ta nhắc đến hòn đảo này, là vì đây thực sự có thể xem như một thiên đường dành cho cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.
Tôn trọng mọi thiên hướng giới tính
Như mọi quần đảo được bao bọc bởi biển, Guna Yala cũng xinh đẹp, nên thơ với những bờ cát trắng trải dài và hàng dừa xanh rợp bóng.
Ngoài cái tên Guna Yala, nó còn được gọi là San Blas, bao gồm hơn 300 đảo lớn nhỏ, trong đó 49 đảo có người sinh sống.
Dân số Guna Yala rơi vào khoảng 50.000 người.
Họ vẫn còn khá nguyên thủy, thường sống trong các lều lán được dựng bằng gỗ và lợp lá cọ. Đồ đạc trong nhà cũng cực kỳ đơn giản, thường chỉ có bếp lửa và võng nằm.
Song chính trong những mái lá đơn sơ ấy lại ẩn chứa một thái độ sống hết sức tuyệt vời. Đó là tôn trọng mọi thiên hướng giới tính, bất kể là nam, nữ hay giới tính thứ 3.
Vì đó chỉ đơn giản là sống thật với bản thân
Thế giới hiện tại dù đã dần chấp nhận, nhưng đâu đó vẫn còn những quy tắc bất thành văn đầy khắt khe về giới tính và xu hướng tính dục, cứ nhất định phải phân chia nam - nữ, và cự tuyệt những gì ở giữa.
Nhưng ở Guna Yala đơn giản là chấp nhận tất cả.
Với cộng đồng bản địa tự trị ở đây, những người thuộc cộng đồng LGBT được xem là chuyện hết sức bình thường.
Không có cha mẹ nào hốt hoảng khi thấy con trai của mình ngày càng trở nên yểu điệu, thích nuôi tóc dài, ăn mặc như con gái.
Thay vào đó, họ sớm dạy cho cậu những kỹ năng cần thiết để có thể sống như một phụ nữ.
Cộng đồng giới tính thứ 3 được đối xử như những người bình thường.
Hầu hết phụ nữ ở Guna Yala đều sống dựa vào molas, một nghề dệt thủ công tinh xảo. Các cậu bé có thiên hướng "nữ tính" cũng sẽ được truyền thụ nghề này.
"Guna Yala đã dạy tôi rằng, trẻ em cũng có quyền tự lựa chọn," - Diego Madi Dias, một nhà nhân chủng học cho biết.
"Cái "giới tính" mà chúng muốn xuất phát từ chính trái tim, tận sâu thẳm tâm hồn, và bộc lộ ra ngoài từ thuở thơ ấu."
Và cũng bởi vì mong muốn ấy của các cậu bé xuất phát từ bản ngã tự nhiên nhất, nên Guna Yala tuyệt đối không ngăn cản.
Tương tự với các bé gái, chỉ là rất hiếm trường hợp có một bé gái muốn chuyển đổi giới tính ở vùng này.
Truyền thống bắt cóc chú rể độc đáo
Theo thần thoại của người Guna thì Wigudun, 1 trong 3 anh chị em thủ lĩnh khởi thủy của họ là một người thuộc giới tính thứ 3. Hai người còn lại là ông Ibeorgun và bà Gigadyriai.
Ở Guna Yala, phụ nữ hướng ngoại hơn đàn ông. Nếu tới nơi này, bạn sẽ thấy các chị em trong những trang phục dệt may truyền thống xinh đẹp có mặt ở khắp nơi. Họ dệt vải, bán hàng, quản lý quán ăn...
Cũng ở Guna Yala, tồn tại một truyền thống văn hóa độc đáo là bắt cóc chú rể. Vào ngày hôn lễ, chú rể sẽ bị bắt cóc và đưa đến nhà cô dâu.
Kể từ lúc này, anh ta sẽ là một thành viên của "bên ngoại". Người vợ sẽ quyết định mọi chuyện, bao gồm cả việc có cho phép chồng được chia sẻ thực phẩm cho "bên nội" hay không.
Phụ nữ mới là trụ cột gia đình
Có 3 nghi lễ quan trọng nhất ở Guna Yala, thì cả 3 đều dành cho nữ giới. Chúng lần lượt là inna-suit, ico-inna và inna-mutiki.
Inna-suit là lễ đặt tên cho một bé gái khi được 4-5 tuổi. Ico-inna là lễ mừng bước vào tuổi dậy thì, trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Còn inna-mutiki là đám cưới.
Phụ nữ Guna mới là trụ cột gia đình.
Theo truyền thống của Guna, nam giới trưởng thành sẽ trở thành các ngư dân, thợ săn, nông dân hoặc tù tưởng, nói chung là cáng đáng những công việc nặng nhọc.
Còn phụ nữ thì thu hoạch dừa, săn bắt tôm cá, trồng trọt, dệt vải.
Đàn ông cáng đáng những việc nặng nhọc.
Dù nghe thì bình thường, nhưng thực ra những việc phụ nữ làm tại Guna Yala mới được xem là quan trọng. Du lịch đang phát triển, và thứ hái ra tiền lại chỉ có phụ nữ làm được, nhờ các mặt hàng dệt may thổ cẩm.
Với cộng đồng giới tính thứ 3, thì ngoài dệt vải đem bán, họ còn kiếm thêm thu nhập nhờ làm hướng dẫn viên hoặc phiên dịch viên cho các du khách.
Tính ra, họ dễ sống hơn cả. Và dù là trong nội tộc hay giữa cộng đồng, một LGBT ở Guna Yala vẫn được đối xử bình đẳng, tôn trọng như bất cứ thành viên nào khác.
Tham khảo: BBC