Mặc dù khu vực này được cho là nơi ẩn chứa những kho tàng nằm rải rác nhưng số tài sản kếch xù trên, được đặt tên là Holy Grail (Chén Thánh), mới là kho báu giá trị nhất thế giới.
Câu chuyện về kho tàng cướp biển đã được truyền qua hàng thế hệ người dân sống trên 2 hòn đảo Mahé -Seychelles và La Réunion.
Dù nhiều người đã thử và thất bại trong việc tìm kiếm kho báu, có hai người đàn ông đã cống hiến cả cuộc đời cho truyền thuyết trên.
Một người tên là Reginald Herbert Cruise-Wilkins, được biết đến với tên gọi "Người đàn ông kho báu" tại Seychelles. Ông Cruise-Wilkins đã săn lùng khối gia tài kếch xù trong suốt 27 năm đến khi qua đời vào năm 1977.
Tên cướp biển khét tiếng Olivier Levasseur. Ảnh: Tripfreakz.com
Sau đó, con trai ông là John, khi đó mới 18 tuổi, đã tiếp tục kế thừa biệt danh và nhiệm vụ của bố.
Ông John giải thích truyền thuyết về kho báu bắt đầu vào năm 1716, khi một người đàn ông Pháp tên Olivier Levasseur được trao quyền điều hành một con tàu tư nhân.
Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, Levasseur đã quyết định chuyển hướng sang một nghề nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận hơn: cướp biển.
Vào năm 1721, Levasseur và 750 tên cướp biển tình cờ nhìn thấy một chiếc tàu chiến Tây Ban Nha thuộc sở hữu của Anh tên Nossa Senhora do Cabo ở bến cảng của đảo Bourbon, nay là đảo La Réunion. Levasseur liền đưa 250 tên cướp lên tàu và giết sạch thủy thủ đoàn để cướp bóc.
Hắn đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy số châu báu kếch xù trên tàu.
Theo lời ông John, một nhà sử học đã mô tả con tàu Tây Ban Nha là một "ngôi nhà kho báu nổi trên nước, chứa rất nhiều thanh vàng, bạc, đá quý, kim cương thô, tiền vàng guinea, đĩa thánh và cốc thánh của nhà thờ".
Đảo Mahé, nơi được cho là đang cất giấu kho báu cướp biển lớn nhất thế giới. Ảnh: Helen Soteriou
Sau khi chiếm được chiến lợi phẩm, nhóm cướp biển nhanh chóng tẩu thoát về sào huyệt rồi chia nhỏ số tài sản trong sự truy đuổi gắt gao của Hải quân Anh.
"Mỗi tên cướp biển nhận được 42 viên kim cương và 5.000 đồng vàng guinea. Những tên cấp cao hơn thì được chia nhiều hơn" - trích lời ông John.
Trong khi đó, Levasseur giữ toàn bộ số kho báu còn lại rồi biến mất. Hắn được cho là đã cất giấu tài sản trên đảo Mahé.
"Bố tôi nghĩ rằng Levasseur đã chia nhỏ toán cướp biển thành nhóm gồm 20 người và chúng không hề biết chỗ giấu kho báu. Ngay cả những tên có nhiệm vụ chôn kho báu cũng bị giết chết sau đó" - ông John kể lại.
Khi Levasseur bị bắt và tử hình vào ngày 7-7-1730 trên đảo La Réunion, hắn biết rõ trong đám đông tụ tập xung quanh có những đồng đội cướp biển cũ.
Vì vậy, Levasseur đã ném một tấm da lên không trung và hét lên: "Kho báu của ta sẽ thuộc về ai hiểu được thứ này". Mảnh giấy da đó chính là bản đồ chỉ dẫn gồm 17 dòng mật mã.
Mặc dù tấm bản đồ đã được Bảo tàng Anh chứng minh là đồ thật từ thế kỷ 18 nhưng dưới con mắt của người bình thường, 17 dòng mật mã chỉ giống như những ký hiệu lộn xộn vô nghĩa.
17 dòng mật mã chỉ dẫn chỗ giấu kho báu của Levasseur. Ảnh: Wikipedia
Levasseur vốn là một nhà trí thức, học giả người Hy Lạp và Latin, rất giỏi trong nghệ thuật dùng ký hiệu tượng trưng.
Vì vậy, ông Cruise-Wilkins đã mất nhiều năm cố gắng giải nghĩa mật mã bằng cách sử dụng tất cả các thông tin có được từ tiếng Hy Lạp, Do Thái, chiêm tinh học, thiên văn học, thần thoại và những điều huyền bí để phá vỡ hệ thống phức tạp của các đầu mối.
Dựa vào những phát hiện của mình, ông Cruise-Wilkins tin rằng mật mã của Levasseur được xây dựng thành một câu đố phức tạp lấy cảm hứng từ 12 Kỳ công của Hercules.
Người đàn ông này cho rằng khối kho báu đang nằm tại khu vực tuyệt đẹp có tên Bel Ombre ở bờ Bắc đảo Mahé, được vây quanh bởi làn nước biển xanh ngắt, thảm thực vật tươi tốt và những hòn đá granite trơn láng do sóng tạo thành.
Mahé là một hòn đảo nhỏ đến mức tất cả người dân đều quen biết nhau. Họ đều có chung một ý nghĩ về khối kho báu kếch xù được cho là đang ở trên đảo kia. "Tôi không quan tâm họ nghĩ gì nhưng rất nhiều người cho rằng 2 bố con tôi bị điên.
Và tất cả đều có cùng một câu hỏi là: 'Tại sao ông lại săn tìm kho báu? Thời nay người ta không làm những việc như thế nữa'" - ông John kể lại.
Ông John Cruise-Wilkins, người đang kế thừa công cuộc săn tìm kho báu của bố. Ảnh: Helen Soteriou
Tuy nhiên, đối với ông và người bố quá cố, hành trình truy tìm kho báu không chỉ là cuộc sống mà còn là một sự cam kết về trí tuệ và thể xác mà họ đã trút hết năng lượng và tiền bạc vào.
Ông John đã lục tung hơn 16.000 mét vuông quanh khu vực Bel Ombre, khám phá các khe đá lẫn hang động và phát hiện những dấu vết mà ông cho là do cướp biển để lại trên những tảng đá.
Ông còn tìm thấy cả xương người, súng lục, đạn bi sắt và những pho tượng nhỏ.
"Người đàn ông kho báu" tin rằng ông đã tìm thấy nơi cất giấu kho báu thật sự tại một hang động ngay bên ngoài bãi biển, cách nhà ông vài bước chân.
Tuy nhiên, lối vào hang động bị chặn lại bởi những tảng đá và chỉ có thể tiến vào bằng một đường hầm dưới nước. Ông John cho biết ông có thể sẽ gặp phải một cái bẫy cuối cùng trước khi chạm tay tới khối tài sản khổng lồ.
Thế nhưng, việc đào bới trên đất của chính phủ khi chưa xin phép là việc làm bất hợp pháp. Sau khi cuộc tìm kiếm bị đình trệ vào năm 2009, ông John phải trả 250.000 rupee để xin giấy phép từ chính phủ.
Ông tin rằng đây là cách để chính phủ đảm bảo quyền lợi một khi khối kho báu được phát hiện.
"Chính phủ sở hữu vùng đất này, vì vậy họ được hưởng 50% số tài sản theo luật" - ông John nói. Dù vậy, ông nhấn mạnh rằng mình sẽ không bỏ cuộc.
Ông John bên tảng đá có ký hiệu được cho là do cướp biển để lại. Ảnh: Helen Soteriou
Kể từ năm 2009, ông John đã bắt đầu công tác chuẩn bị tại hang động, sửa chữa các bức tường chắn, làm lối đi để đưa thiết bị vào và "thực hiện các phép đo đạc, manh mối và những dữ liệu khác".
"Sau quá nhiều khó khăn mà chúng tôi đã vượt qua, số tiền trả cho chính phủ trở thành giọt nước làm tràn ly. Tôi đã gần như bỏ cuộc.
Nhưng tôi không thể để họ thỏa mãn như vậy được. Kế hoạch của tôi là tìm thấy kho báu, xin được giấy phép hoặc tìm nguồn tài trợ phù hợp để hoàn thành công việc" - ông John chia sẻ.
Cho đến khi điều đó xảy ra, câu chuyện về người đàn ông săn lùng kho báu và nhóm cướp biển sẽ không bao giờ có kết thúc tốt đẹp.