CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (mã CK: VCW) tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex. Tháng 3/2009 Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập theo Quyết định của Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
Cuối năm 2009, VCW được cổ phần hóa và lấy tên là CTCP nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Một năm sau đó, Vinaconex đã chuyển nhượng 21,8 triệu cổ phần tại VCW (43,6% vốn) cho Công ty Acuatico Pte Ltd của Singapore.
Sau 6 năm gắn bó, vào tháng 4/2016, Acuatico Pte Ltd bất ngờ công bố thoái toàn bộ phần vốn cho một doanh nghiệp trong nước là CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái.
Đến tháng 12/2017, Vinaconex tiếp tục thoái toàn bộ 25,5 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn tại VCW cho CTCP Cơ điện lạnh (REE) và CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái, thu về hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong đó REE đã mua 17,3 triệu cổ phần và CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái mua gần 8,2 triệu cổ phần với cùng mức giá khởi điểm là 39.904 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì đến tháng 1/2018 CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái cũng đã tiến hành bán hết số cổ phần nắm giữ tại VCW.
Trong khoảng thời gian thay máu cổ đông, VCW cũng đã đổi tên thành CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà. Ở diễn biến ngược lại, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex lại tỏ ra khá mặn mà với Nước sạch Sông Đà khi liên tục gom vào lượng lớn cổ phiếu VCW của công ty này.
Theo Báo cáo tài chính từ năm 2013 đến nay (hết quý II/2019), nước sạch Sông Đà liên tục kinh doanh có lãi. Trong vòng hơn 6 năm qua, VCW thu về lợi nhuận sau thuế gần 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2013 lãi hơn 64 tỷ đồng; năm 2014 đạt con số 89 tỷ đồng. Đến năm 2015, lợi nhuận của VCW nhảy vọt lên 147,3 tỷ đồng. Các năm 2016, 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 161,2 tỷ đồng; 169,9 tỷ đồng; 218,6 tỷ đồng và 126,5 tỷ đồng.
Năm 2019, nước sạch Sông Đà đề ra kế hoạch đạt 476,2 tỷ đồng doanh thu và 75,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 55,3% kế hoạch doanh thu và 167% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 20%, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 158,5 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 1.175 tỷ đồng, bao gồm tài sản cố định 548 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 620,5 tỷ đồng và tài sản dài hạn khác 6,5 tỷ đồng.
Trong đó, theo thuyết minh báo cáo tài chính, cuối tháng 6/2019, tài sản cố định là nhà cửa, vật liệu kiến trúc, máy móc thiết bị với giá trị còn lại khoảng 526 tỷ đồng đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Hồ.
Đây là khoản vay cho dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông.