Đó là chè. Đây là mặt hàng gắn bó thân thiết với người Việt Nam. Người xưa thường nói "chén trà là đầu câu chuyện". Bởi lẽ chè hay trà là thức uống gần gũi và thường được dùng để tiếp đãi khi khách tới chơi nhà. Ngoài ra, đây cũng là một mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam, được ví như "vàng xanh" và có giá trị xuất khẩu cao.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 121.000 tấn, với trị giá 211 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 11% so với năm 2022. Trên thực tế, giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2023 ước đạt 1.737 USD/tấn, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tuy nhiên, mức giá này chỉ bằng 67% so với giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới (2.600 USD/tấn).
Năm 2023 là năm xuất khẩu chè thấp nhất trong 7 năm qua của nước ta. Biểu đồ: Minh Hằng
Về việc xuất khẩu chè của Việt Nam giảm mạnh, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân là do nhu cầu của thế giới giảm và những quy định nhập khẩu đang ngày càng khắt khe ở những thị trường chính. Trong năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính như Pakistan, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) đều giảm. Trong khi đó, chủng loại chè xuất khẩu của nước ta chỉ đa phần ở dạng thô và có hàm lượng chế biến thấp.
Hiện nay, chè xanh vẫn là sản phẩm chiếm tới 94% trong tổng khối lượng chè xuất khẩu của nước ta. Sản phẩm này chủ yếu sử dụng phương pháp sao sấy truyền thống. Trong khi đó, những sản phẩm chè cao cấp như ô long, chè đen... mới chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng khối lượng chè xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nước ta hiện có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích khoảng 123.200 ha. Trong năm 2023, sản lượng búp chè tươi đạt gần 1,1 triệu tấn, tương đương với khoảng gần 200.000 tấn trà khô. Chè của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đâu là cơ hội cho ngành chè của Việt Nam?
Theo nghiên cứu của Research and Markets, thị trường chè trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt khoảng 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Nguyên nhân là do lối sống và nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe ngày càng tăng.
Các chuyên gia nhận định, dù Việt Nam có lợi thế về sản xuất, diện tích trồng lớn, nhưng để chiếm lấy một phần trên thị trường hàng tỷ USD của thế giới, ngành chè nước ta cần phải tập trung vào việc nâng cao năng suất và chất lượng. Cụ thể, ngành chè cần phải đầu tư có trọng điểm vào việc chế biến sâu, nhất là những sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, giúp mang lại giá trị kinh tế lớn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư thêm vào chế biến sâu những sản phẩm như chè lên men, hồng tràm chè ô long, chè ướp hương từ các loại hoa... Mặt khác, các địa phương cũng cần khuyến khích người dân sản xuất chè có ứng dụng công nghệ cao, sinh học...
Chè hay trà xanh được dùng làm thức uống phổ biến trong nhiều nền văn hóa, giúp mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, trong lá chè xanh có chứa nhiều thành phần hóa học như flavonoid, saponin triterpen, tanine, caffeine, carotene, tinh dầu... Những hợp chất này có công dụng giúp giảm nguy cơ ung thư, chống lão hóa, ngăn ngừa và bảo vệ tim mạch, duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh, bảo vệ gan, tăng cường trí nhớ, kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm...
Trong Đông y, lá chè xanh có vị chát, đắng, có công dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, làm mát cơ thể... Tuy nhiên, do chè xanh có tính hàn và chứa hàm lượng caffeine lớn nên người dùng không nên uống lạnh và uống vào lúc đói và buổi tối.
Bài viết tham khảo nguồn: Customs, Mard, EatingWell, Research and Markets