Nhật hoàng Akihito là hoàng đế thứ 125 của Hoàng gia Nhật Bản. Ông chính thức thừa kế ngai vàng vào năm 1989, sau khi cha ông là Thiên hoàng Hirohito băng hà.
Lễ đăng quang của Nhật hoàng Akihito diễn ra vào ngày 12/11/1990 tại Hoàng cung Tokyo với sự hiện diện của 2.500 quan khách là đại diện 158 quốc gia, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Dan Quayle, Hoàng tử và Công nương xứ Wales Charles và Diana, Tổng thống Đức Richard von Weizsacker và các hoàng gia trên khắp thế giới.
Đây là lễ đăng quang đầu tiên theo hiến pháp hòa bình sau Thế chiến II của Nhật Bản. Theo đó, hoàng đế không còn được tôn sùng như một "vị thần sống", mà thay vào đó trở thành "biểu tượng của nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân".
Lễ đăng quang của Nhật hoàng Akihito có sự hiện diện của hoàng gia trên khắp thế giới, trong đó có Thái tử Charles và Công nương Diana (Ảnh: Getty).
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đón tiếp Hoàng tử xứ Wales Charles và Công nương xứ Wales Diana. (Ảnh: Getty)
Theo New York Times, khoảng 36.000 cảnh sát trên khắp đất nước mặt trời mọc được huy động để bảo vệ an ninh cho lễ đăng quang của Nhật hoàng Akihito tại thủ đô Tokyo.
Đây là con số kỷ lục, vượt qua cả số nhân lực được huy động trong lễ tang của Thiên hoàng Hirohito vào tháng 2/1989.
9 giờ sáng 12/11/1990, Nhật hoàng Akihito thực hiện nghi thức thông báo với tổ tiên rằng mình sắp lên ngôi. Đó là một buổi chiều đẹp trời, se lạnh nhưng hửng nắng.
Ngai vàng Hoa cúc đã được chuyển đến Tokyo từ cố đô Kyoto – nơi diễn ra tất cả các lễ đăng quang trước đó.
Ngai vàng Hoa cúc là một chiếc bệ lớn hình bát giác màu vàng đen, phía trên là một con Phượng hoàng vàng lớn, bên cạnh là ngai vàng nhỏ hơn dành cho Hoàng hậu Michiko.
Tân Nhật hoàng Akihito đứng trong Ngai vàng Hoa cúc. (Ảnh: Getty)
Từ trên ngai vàng có thể quan sát toàn bộ cung điện được trang trí bằng hai hàng biểu ngữ, xếp dọc hai bên là 20 vệ binh hoàng gia, 40 người mang đồ lễ và 12 người chơi chiêng, trống, AFP mô tả.
Buổi lễ kéo dài nửa tiếng, bắt đầu khi các thành viên hoàng gia trong trang phục xếp lớp truyền thống từ từ bước vào phòng ngai vàng. Thái hậu – mẫu thân của Nhật hoàng Akihito là người duy nhất vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Từ trái qua phải, Thái tử Naruhito, Hoàng tử Akishino, Công chúa Masako và Công chúa Nori bước vào Hoàng cung Tokyo để dự lễ đăng. (Ảnh: Getty)
1 giờ chiều, Tân Nhật hoàng Akihito là người cuối cùng bước vào phòng ngai vàng, mặc sokutai - trang phục màu vàng nâu được mô phỏng theo trang phục truyền thống từ thời Heian (thế kỷ 8 – 12).
Bước vào ngay trước phu quân của mình là Hoàng hậu Michiko trong bộ kimono 12 lớp cầu kỳ, thêu hoa tinh xảo và nặng gần 10kg.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tại Hoàng cung Tokyo vào ngày 12/11/1990. (Ảnh: Getty)
Nhật hoàng Akihito phát biểu trong lễ đăng quang chính thức năm 1990. (Ảnh: The Guardian)
Ngay trong lễ đăng quang, Nhật hoàng Akihito đã cho thấy sự gần gũi với nhân dân, một sự khác biệt so với hình ảnh tôn nghiêm mà cha ông là Thiên hoàng Hirohito xây dựng.
Ông không dùng ngôn ngữ cổ cầu kỳ vốn vẫn được sử dụng trong những sự kiện quan trọng của hoàng gia, thay vào đó là cách nói "trang trọng nhưng vẫn dễ hiểu với người dân Nhật".
"Ta tuyên bố lên ngôi trước toàn thể người dân Nhật Bản và thế giới", vị hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản tuyên bố.
Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Toshiki Kaifu đứng dưới chân ngai vàng, phát biểu ngắn gọn rồi lùi lại và hô vang "Banzai!" ("Vạn tuế!") 3 lần cùng 2.500 quan khách.
Thủ tướng Toshiki Kaifu đứng dưới chân ngai vàng, hô vang "Banzai" 3 lần trước Hoàng đế Akihito. (Ảnh: Getty)
Hai tiếng sau, cặp vợ chồng hoàng gia mặc trang phục phương Tây, trong đó hoàng hậu mặc áo khoác trắng, đầu đội vương miện nhỏ - bước ra khỏi cung điện dưới ánh mặt trời rạng rỡ, sau đó cùng bước lên chiếc Rolls Royce mui trần.
Nhật hoàng và hoàng hậu thân thiện mỉm cười, vẫy tay với đám đông khi xe diễu hành suốt quãng đường gần 5km đến Cung điện Akasaka, nơi ở của họ.
Nhật hoàng và hoàng hậu mỉm cười, vẫy tay với đám đông khi diễu hành trên chiếc Rolls Royce mui trần. (Ảnh: Getty)
Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai dọc theo tuyến đường nơi 100.000 người dân đổ ra để được nhìn thấy vị hoàng đế mới.
"Nhật hoàng Akihito không muốn xuất hiện theo kiểu không thể tiếp cận, hay sống như một người ẩn dật trong cung điện Tokyo như vua cha mình", AFP đưa tin trước buổi lễ.
Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4/2019, khép lại thời kỳ Heisei (Bình Thành) trong lịch sử Nhật Bản.
Con trai cả của ông, Thái tử Naruhito sẽ là người nối ngôi và tiếp tục duy trì Hoàng gia Nhật Bản - thiết chế quân chủ liên tục lâu đời nhất thế giới.