LTS - Ngày 14-15/11/2016 tới đây, Hội thảo Biển Đông lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa). Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao xung quanh các nội dung quan trọng sẽ được bàn thảo tại đây.
Thưa ông Trần Trường Thủy, về nội dung, hội thảo lần này có gì đáng chú ý? Có phải là những vấn đề năm trước đã bàn năm nay sẽ không lật giở lại nữa?
Ông Trần Trường Thủy: Hội thảo các năm đều có tính kế thừa và đổi mới. Năm nay có một số phiên chủ đề hoàn toàn mới. Có nhiều phiên chủ đề có thể như cũ, nhưng chắc chắn nội dung sẽ khác.
Ví dụ như về chủ đề luật pháp, do diễn biến của tình hình Biển Đông năm 2016 nên phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines - Trung Quốc chắc chắn sẽ là chủ đề nổi bật.
Trong phiên riêng về phán quyết (có 4 phiên một ngày hội thảo), các học giả hiện đã đăng ký phát biểu trên nhiều khía cạnh khác nhau về phán quyết này: từ nội dung phán quyết, tác động của nó tới yêu sách và hành động của các bên, đến tác động của phán quyết đến quá trình xử lý giải quyết tranh chấp, đến thúc đẩy hợp tác khu vực như thế nào...
Nếu so với các hội thảo trước, các phiên về luật thường bàn về rất nhiều thứ, như luật về chủ quyền đảo, luật về các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các bên, luật về hàng không, luật về an toàn hàng hải…
Hay như phiên thảo luận về các vấn đề chính trị - kinh tế, các học giả sẽ thảo luận về chủ đề dầu mỏ khí đốt - tác động của xu hướng giá dầu giảm đến việc cạnh tranh tài nguyên, tự do hàng hải và vai trò của Biển Đông nói chung. Các học giả sẽ cùng đánh giá về vai trò của đánh bắt cá với an ninh lương thực, các vấn đề về tác động môi trường.
Tôi có thể hiểu là trong chương trình hội thảo sẽ có nội dung thảo luận về việc Trung Quốc tôn tạo và xây đảo nhân tạo đã phá vỡ môi trường sinh thái tại Biển Đông?
Chủ đề ban tổ chức nêu trong chương trình tương đối rộng, nhưng các học giả sẽ chọn cái gì nổi cộm trong chủ đề đó để đánh giá, thảo luận. Vì vậy, anh có thể đoán trước họ chọn cái gì.
Tức là sẽ chỉ có hai chủ đề mới thôi sao?
Không hẳn. Hội thảo sẽ thảo luận về vấn đề an ninh, chính trị và ngoại giao, nhìn nhận dưới góc độ chính sách của các nước, các khu vực. Tuy chủ đề này cũ, nhưng năm nay nó được đặt dưới góc độ chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực.
Ví dụ như học giả Mỹ trình bày về chiến lược tái cân bằng của Mỹ trong bối cảnh Mỹ có Tổng thống và chính quyền mới sau bầu cử. Hay học giả Trung Quốc sẽ trình bày đánh giá về các sáng kiến hợp tác mới và chính sách Biển Đông của Trung Quốc.
Hoặc tham luận về vai trò ASEAN trong bối cảnh hiện nay, các nước liên quan đều ít nhiều điều chỉnh chính sách, đoàn kết nội khối ít nhiều bị chia rẽ liên quan tới vấn đề Biển Đông và liệu có những điều chỉnh, cải tổ chức năng của ASEAN hay không.
Năm nay, lần đầu tiên, Ban Tổ chức sẽ có phiên riêng dành cho giới Hải quân và Cảnh sát biển các nước, trực tiếp thảo luận về sự tương tác trên biển, cũng như là cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các lực lượng trực tiếp trên biển với nhau.
Đại biểu Cảnh sát biển Indonesia sẽ có tham luận về cơ chế chia sẻ thông tin, quan chức hải quân Malaysia nói về hành xử trên biển và các quy trình nhằm tránh va chạm trên biển, hoặc một cựu Phó Đô đốc Nhật sẽ nói về nội dung quản lý các va chạm nếu xảy ra như thế nào.
Tại Hội nghị Ngoại giao cuối tháng 8/2016, tôi có phỏng vấn Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Trần Việt Thái về phán quyết của PCA, ông Thái đã nói rằng Việt Nam lúc đó mới ủng hộ hành động ra phán quyết của PCA, còn nội dung phán quyết thì đang nghiên cứu. Không biết bây giờ đã có kết luận của Việt Nam hay chưa?
Tôi không rõ về kết luận của Việt Nam về nội dung phán quyết có hay chưa và như thế nào. Tôi nghĩ vấn đề này liên quan đến rất nhiều yếu tố cần cân nhắc kỹ.
Cách nay 8 năm, khi phỏng vấn Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng liên quan đến sự kiện lầ n đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội thảo Biển Đông. Lúc đó ông Quảng đã hy vọng rằng các ý kiến, hay kết luận, tại hội thảo sẽ tác động đến quá trình hoạch định chính sách về Biển Đông của các nước có liên quan.
Nhưng qua theo dõi, dường như nếu có tác động thì chủ yếu liên quan tới các nước ASEAN có yêu sách chủ quyền, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp xây dựng đảo như mọi người đều đã thấy. Ông suy nghĩ như thế nào về thực tế này?
Theo tôi, các hội thảo về Biển Đông đều đã góp phần tác động lên quá trình hoạch định chính sách các nước theo ít nhất là hai hình thức.
Thứ nhất, các tham luận, nội dung thảo luận, các kiến nghị, giải pháp đề ra tại các hội thảo giúp cho các bên liên quan đánh giá đúng tình hình, chắt lọc các nghiên cứu để từ đó có các chính sách phù hợp. Thứ hai, các hội thảo giúp thúc đẩy và duy trì thảo luận chủ đề Biển Đông trên trường quốc tế, góp phần định hình nên công luận quốc tế nói chung về vấn đề Biển Đông.
Với Trung Quốc, tôi nghĩ chính sách của Trung Quốc và các bước đi của họ đã được tính toán rất kỹ, họ tính kỹ cả các nhân tố bên trong và bên ngoài. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc khi hoạch định các bước đi cụ thể phải tính đến dư luận quốc tế như thế nào, phản ứng của các nước ra sao. Trung Quốc có lợi ích quốc gia trong việc xây dựng hình ảnh, uy tín của nước lớn…
Nếu anh nhìn những bước đi của Trung Quốc thì có rất nhiều trường hợp Trung Quốc đã phải điều chỉnh các bước đi của mình trước áp lực của dư luận quốc tế.
Có một số học giả tỏ ra rất là khách quan trong việc phát biểu các quan điểm về Biển Đông. Nhưng sau khi tham dự các hội thảo và những dự án nghiên cứu chung với Trung Quốc, dần dần họ đã phát biểu quan điểm có lợi cho quốc gia này, Theo quan sát của ông, số học giả như vậy có phổ biến không?
Đúng là tôi biết có trường hợp một học giả Mỹ mà Trung Quốc đã vận động và thuyết phục, mời ông này làm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu về Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông).
Tôi nghĩ họ cũng tiếp cận nhiều học giả quốc tế khác nữa. Nhưng qua theo dõi của chúng tôi thì đại đa số học giả quốc tế là có quan điểm và viết bài theo tinh thần khách quan, khoa học, dựa trên các lập luận, chứng cứ cụ thể. Rất ít người viết dựa trên tính toán vật chất.
Xin cảm ơn TS Trần Trường Thủy.