Máy bay "thây ma"
Không quân Mỹ đang nắm giữ chìa khóa mở rộng kho máy bay chiến đấu của chính mình mà không hề hay biết.
Theo giới chuyên gia, các máy bay loại cũ như F-16 Fighting Falcon có thể được đưa vào chiến đấu trở lại dưới dạng máy bay không người lái và được lắp thêm các loại vũ khí chiến đấu khác.
Máy bay không người lái này được nhà phân tích chiến tranh Zachary Kallenborn gọi với cái tên là "máy bay thây ma" trong một bài báo gần đây cho War on the Rocks, được đánh giá là một giải pháp không tốn kém, có thể khắc phục cho vấn đề chi phí máy bay tăng cao.
Những máy bay này sẽ đảm nhận các nhiệm vụ được cho là quá nguy hiểm đối với phi công cũng như các chuyến bay cảm tử trước khi nghỉ hưu vĩnh viễn.
Chuyên gia Kallenborn cho rằng giải pháp này sẽ là cách để đưa những chiếc máy bay đang chôn vùi ở các "nghĩa địa máy bay" trở lại.
Người ta thường gọi những nơi như Tổ hợp Bảo trì và Tái tạo Hàng không Vũ trụ 309 tại Căn cứ Không quân Davis-Monthan ở Tucson, Arizona là nghĩa địa máy bay.
Ở đó, trong một khu vực được gọi là "Boneyard", hàng nghìn chiếc máy bay của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến đang đậu thành hàng ngay ngắn trên sa mạc Arizona, nơi có độ ẩm thấp làm chậm quá trình phân hủy. Nhiều chiếc cũng được bọc trong nhựa hoặc đang được bảo dưỡng.
Máy bay được gửi đến Boneyard thường được cho nghỉ hưu sau khi đội bay đã có những mẫu chiến đấu cơ khác mới hơn. Các máy bay F-16 tại căn cứ được thay thế bằng những chiếc F-16 đời mới, hoặc thậm chí là F-35A.
Đối với hầu hết các máy bay, đó là một kỳ nghỉ hưu đầy nắng gió cho đến khi không quân quyết định đưa chúng vào bãi phế liệu. Trong những trường hợp hiếm hoi, máy bay có thể được tái kích hoạt, như trường hợp của máy bay ném bom B-52 Stratofortress "Wise Guy" và "Ghost Rider".
Nhiều máy bay ở Boneyard vẫn có thể bay được, nhưng đơn giản là chúng đã lỗi thời. Một số không an toàn hay khung máy bay đã đến điểm giới hạn. Những máy bay khác thì bị lấy các linh kiện để thay thế cho các máy bay cùng loại vẫn đang hoạt động.
Ý tưởng táo bạo
Không quân đã chuyển đổi F-16 thành QF-16 , ký hiệu "Q" có nghĩa là "không có người lái". QF-16 được sử dụng làm mục tiêu giả, bắt chước máy bay chiến đấu đối phương, tạo cơ hội để phi công sử dụng tên lửa thật chống lại mục tiêu được điều khiển từ xa.
Chuyên gia Kallenborn đã đi xa hơn trong việc xem xét những chiếc F-16 này được đưa trở lại vào chiến đấu thực.
Máy bay "thây ma" như đã nói ở trên, được giải phóng khỏi sự cần thiết phải chở theo một phi công, có thể thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm ở cấp độ hoàn toàn mới.
Kallenborn cho rằng máy bay có thể được trang bị tên lửa, bom và các loại đạn dược khác, hoặc đơn giản được sử dụng làm mồi nhử.
QF-16 có thể được trang bị tên lửa chống bức xạ HARM và sau đó bay qua hệ thống phòng không của đối phương, tự động phóng HARM vào bất kỳ radar nào dám quay đầu trên đường bay của nó.
Khái niệm này sẽ cực kỳ nguy hiểm đối với máy bay có phi công, nhưng đối với một máy bay chiến đấu "thây ma", mọi thứ quá dễ dàng.
Máy bay "thây ma" thậm chí có thể được chất đầy bom và biến thành tên lửa hành trình khổng lồ. Sau đó, một quả bom không người lái có thể bay tới các mục tiêu chiến lược được chỉ định trong các cuộc giao tranh sống còn.
Ý tưởng của Kallenborn sẽ tốn ít chi phí. Không quân đã có máy bay và công nghệ để chuyển đổi chúng thành các nền tảng không người lái, bao gồm khả năng cất cánh và hạ cánh tự động.
Bước cuối cùng còn lại là trang bị vũ khí và năng lực cần thiết. Máy bay có thể được cung cấp phụ tùng thay thế từ Boneyard. Với các bộ phận khan hiếm, in 3D cũng có thể trở thành một lựa chọn.
Việc bổ sung các máy bay chiến đấu "thây ma" vào không quân có thể giải quyết hai vấn đề cấp bách nhất của Lầu Năm Góc.
Một là chi phí cao đối với các hệ thống vũ khí, có nguy cơ làm giảm khả năng đưa hàng loạt máy bay vào một cuộc xung đột trong tương lai. Hai: loại bỏ rủi ro cho phi công.
Chuyên gia Kallenborn đang kêu gọi Lầu Năm Góc biến ý tưởng của mình thành hiện thực bằng cách tung ra một lượng máy bay "thây ma" khổng lồ để áp đảo kẻ thù.