Nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua với tỷ lệ đồng thuận 15/15 nhằm ngăn chặn gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng cách hạn chế ở mức 500.000 thùng mỗi năm.
Nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng thiết lập luôn việc hạn chế nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng mỗi năm và khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm nếu Bình Nhưỡng còn tiến hành thêm một cuộc thử nghiệm hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khác. Ngoài ra, nghị quyết cũng nới rộng thời hạn trục xuất các lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài trong vòng 24 tháng thay vì 12 tháng như đề xuất đầu tiên.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ bình luận: "Đây là thông điệp rõ ràng cho Bình Nhưỡng hiểu rằng sẽ có thêm nhiều sự trừng phạt nữa".
Ông Wu Haitao, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ "rời khỏi vòng kiểm soát" và ông lặp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh: "Chỉ có cách gặp nhau rồi đối thoại và tham vấn mới có thể tìm được giải pháp hoà bình".
Trong khi đó, phái đoàn Triều Tiên chưa đưa ra phản ứng sau lệnh trừng phạt mới này.
Ngày 29.11, Triều Tiên phóng đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đạt tầm bắn xa nhất từ trước tới giờ. Theo NHK, chính phủ Nhật ước tính tên lửa đã bay khoảng 50 phút rồi mới rơi xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho hay tên lửa của Triều Tiên đã đạt đến độ cao khoảng 4.500km trước khi rơi xuống "vùng đặc quyền kinh tế" trên biển của nước này.
Theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc - đại tá Robert Manning, đánh giá ban đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đi xa khoảng 1.000 cây số. Loại tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể vươn tới lục địa của Mỹ. Một nét mới trong các vụ phóng tên lửa năm 2017 là Bình Nhưỡng khẳng định họ phóng thử tên lửa chứ không còn tuyên bố là phóng thử vệ tinh như các năm trước.
Từ các cột mốc dưới đây thì có thể thấy trong năm 2017, những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tăng đột biến về số lượng cũng như chất lượng. Triều Tiên không chỉ phóng thử nhiều tên lửa hơn mà còn nâng dần tầm bắn. Điều này không chỉ khiến Nhật - Hàn lo sợ mà còn làm Mỹ đứng ngồi không yên khi lọt vào tầm vươn của tên lửa Triều Tiên.
Theo thống kê của Mỹ, 2017 là năm mà Triều Tiên phóng thử tên lửa gia tăng bất thường. Các nguồn của Reuters, CNN, BBC... chỉ ra như sau:
Ngày 4.4, Triều Tiên phóng thử một quả tên lửa đạn đạo tầm trung rơi xuống biển Nhật Bản.
Ngày 16.4, Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm trung KN-15 nhưng thất bại.
Ngày 29.4, Triều Tiên phóng thử tên lửa từ Bukchang chỉ vài giờ sau khi LHQ họp lên án các vụ phóng tên lửa trước đó của họ. Vụ phóng thử này thất bại
Ngày 16.5, Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-12 đạt độ cao 2.000km và bay xa 700km trong 30 phút.
Ngày 8.6, Triều Tiên bắn 4 tên lửa chống hạm gần thành phố cảng Wonsan.
Ngày 4.7, Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-14 đạt độ cao 2.800km và bay xa 930km từ một điểm bắn trên biển Nhật Bản. Tên lửa thực hiện hành trình trong 40 phút.
Ngày 28.7, thêm một vụ phóng tên lửa nữa được cho là Hwasong-14 do Triều Tiên thực hiện đã đạt độ cao 3.000km và ước tính nó có tầm bắn chạm mốc 10.000km căn cứ theo giờ bay lên đến 45 phút.
Ngày 26.8, Triều Tiên thử tiếp 3 quả tên lửa tầm ngắn.
Ngày 29.8, Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-12 bay qua đảo Hokkaido của Nhật. Tên lửa bay xa 2.700km và đạt độ cao khoảng 550km
Ngày 15.9, Triều Tiên lại phóng thử tiếp tên lửa Hwasong-12 qua đảo Hokkaido. Lần này, tên lửa bay xa đến 3.700km và đạt độ cao 770km.
Ngày 29.11, Triều Tiên phóng thử tên lửa được cho là Hwasong-15 đã bay xa hơn 1.000km với độ cao 4.500km.