"Hội chứng Chủ Nhật" là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn

Thanh Long |

Khảo sát cho thấy niềm vui của các kỳ nghỉ sẽ kết thúc vào lúc 15:38 phút chiều của ngày nghỉ cuối cùng. Sau đó, gần 80% mọi người sẽ chuyển sang một tâm trạng lo lắng cho tuần làm việc tới của họ.

Có thể bạn không để ý nhưng chúng ta sắp sửa có một ngày Chủ nhật đặc biệt. Đối với những người được nghỉ 4 ngày từ thứ 6 cho đến hết thứ hai, kỳ nghỉ cuối tuần này của họ sẽ dài hơn 200% bình thường. Ngay cả với những người chỉ được nghỉ 3 ngày, kỳ nghỉ cũng đã dài hơn 150%.

Giá như cuối tuần nào cũng được như vậy phải không? Lời khuyên là: Bạn nên có kế hoạch để tận hưởng kỳ nghỉ hiếm hoi này - trước khi phải đối mặt với một hiệu ứng được gọi là "Hội chứng Chủ nhật".

Khảo sát cho thấy niềm vui của các kỳ nghỉ cuối tuần sẽ kết thúc vào lúc 15:38 phút chiều của ngày nghỉ cuối cùng. Sau đó, gần 80% người được hỏi sẽ chuyển sang một tâm trạng lo lắng cho tuần làm việc tới của mình. Họ sợ hãi, bồn chồn và "down mood" vì sắp phải trở lại công sở và đâm đầu vào công việc cũ.

Một người bạn của tôi, nhân viên Marketing tại một công ty FMCG mô tả đó là khi "kỳ nghỉ bị đánh cắp". Anh ấy cảm thấy tối Chủ nhật là một khoảng thời gian cực kỳ đáng sợ, như thể thời gian của hai ngày nghỉ đã vụt trôi qua và "đột nhiên, tôi phải trở lại đầu tuần làm việc của mình" khi chưa kịp tận hưởng hết mọi thứ.

Hội chứng Chủ Nhật là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn - Ảnh 1.

"Nỗi sợ ngày Thứ Hai" hay "Hội chứng Chủ Nhật" là gì?

Đó là những thuật ngữ đang ngày càng phổ biến trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, khi ngành tâm lý học bắt đầu khám phá sâu vào một hiệu ứng mà đa số mọi người đã phải trải qua từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Đó là cột mốc khai sinh ra mô hình làm việc 5 ngày và nghỉ 2 ngày cuối tuần đã trở thành tiêu chuẩn và chưa từng thay đổi cho đến nay.

"Nỗi sợ ngày Thứ Hai", "Hội chứng Chủ Nhật", "Nỗi buồn Chủ Nhật" hay "Cảm giác sợ hãi đêm Chủ Nhật" chỉ là những thuật ngữ mô tả cùng một cảm giác mà 76% người được hỏi trong một khảo sát của Monster (trang web tìm kiếm việc làm tại Mỹ) gặp phải.

Đó là một sự buồn bã xâm chiếm tâm trí, một nỗi lo lắng, căng thẳng khi sắp phải đối mặt với công việc tuần tới, cảm giác tiếc nuối những ngày nghỉ vừa qua hoặc thậm chí bồn chồn, sợ hãi đến mất ngủ. Chúng thường xuất hiện vào chiều cho đến tối ngày Chủ Nhật, hoặc ngày cuối cùng của một đợt nghỉ lễ.

Một khảo sát năm 2020 thực hiện bởi một nhãn hàng gia dụng của Mỹ cho thấy trung bình, "Hội chứng Chủ Nhật" sẽ bắt đầu vào khoảng 15:38 phút chiều. Đối với một số người nó có thể đến sớm hơn, nhưng với nhiều người khác, nó có thể bắt đầu từ tối muộn. Nhưng nhìn chung, cứ 10 người được hỏi thì 7 người sẽ gặp phải cảm giác này.

Giáo sư Jonathan Abramowitz, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học North Carolina cho biết: "Cho dù bạn gọi nó bằng thuật ngữ nào đi chăng nữa, và mô tả nó là nỗi lo lắng, cẳng thẳng hay sợ hãi, về bản chất đó đều là một hiện tượng. Đó là phản ứng của cơ thể bạn với một mối đe dọa".

Đối với từng người, một tuần làm việc mới sẽ đặt họ vào những mối đe dọa khác nhau: từ những thứ đơn giản như phải dậy sớm, rời quê để trở lại thành phố, phải chạy chỉ tiêu KPI, deadline công việc mới, cho đến nguy cơ bị mất việc, mất thu nhập và bảo hiểm…

Hội chứng Chủ Nhật là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn - Ảnh 2.

Trong buổi đầu của thời kỳ công nghiệp 2.0, khi máy móc và tự động hóa bắt đầu đưa con người và các công ty cơ khí vào một guồng chạy đua, "Hội chứng Chủ Nhật" thực sự đã từng là một nỗi sợ hãi công việc theo đúng nghĩa đen.

Nelson Lichtenstein, một giáo sư lịch sử tại Đại học California cho biết: "Khoảng 100 năm trước, đã có rất nhiều câu chuyện kể về nỗi sợ hãi của mọi người khi phải quay lại nhà máy. Họ sợ bị la mắng và họ sợ bị thương tích, tai nạn lao động. Người ta nói rằng ở Ford Motor Company, những quản đốc luôn hét vào mặt công nhân "Làm nhanh lên" và họ có thể hét như vậy bằng 15 thứ tiếng khác nhau".

Tại Anh vào giữa thế kỷ 19, khi Chủ Nhật là ngày nghỉ duy nhất trong tuần, nhiều người đã cố tình nghỉ và bỏ việc vào ngày thứ Hai. Những cuộc đình công tập thể này được tác giả Witold Rybczynski giải thích trong một bài báo trên tờ Atlantic năm 1991, nói rằng những công nhân muốn "có thêm thời gian thư giãn và phục hồi". Họ gọi đó là chiến dịch "gìn giữ Ngày thứ Hai của Thánh", và về cơ bản có thể là một phản ứng thái quá khi đối mặt với "Hội chứng Chủ Nhật".

Làm sao để tránh "Hội chứng Chủ Nhật" và có một kỳ nghỉ mãn nguyện hơn?

Trở lại với anh bạn làm nghề marketing của tôi, anh luôn cảm thấy tiếc nuối hai ngày cuối tuần của mình và cảm thấy "tôi đã không tận dụng hết ngày nghỉ của mình, tôi đã không thực sự thấy thư giãn".

Để giúp đỡ anh ấy, tôi đã hỏi một kỳ nghỉ cuối tuần điển hình của anh diễn ra như thế nào?

"Kỳ nghỉ chỉ bắt đầu vào chiều thứ Bảy, trên thực tế, tôi vẫn phải đi làm vào buổi sáng. Đó là một ngày khá nửa vời", anh ấy bắt đầu nói. "Tôi sẽ về nhà sau khi đã ăn trưa ở công ty, ngủ một giấc trước khi tỉnh dậy, dọn dẹp nhà cửa, thường sẽ tắm cho chó và cùng nó chạy bộ".

Tối thứ Bảy với anh bạn của tôi có lẽ là khoảng thời gian duy nhất anh ấy được xả stress: chơi game, đá bóng, đôi khi là những bữa nhậu với bạn bè, trước đây là đi hẹn hò với bạn gái, nhưng họ đã chia tay cách đây vài tháng. Đột nhiên điều đó khiến anh bạn của tôi cảm thấy anh có nhiều thời gian hơn, nhưng cảm giác trống rỗng lại cũng thường xuyên xảy đến.

"Tôi vẫn phải dậy sớm vào thứ 7 nên Chủ nhật là ngày duy nhất tôi được ngủ nướng. Thường thì tôi sẽ ngủ đến bữa trưa, sau đó buổi chiều thường không biết làm gì. Khoảng 4 giờ chiều Chủ Nhật là lúc tôi bắt đầu thấy bồn chồn nhất, tôi thường cố ép mình làm gì đó, đi thăm họ hàng, la cà vài chỗ thân quen, mua sắm đồ đạc, quần áo nhưng đa số thời gian đó chỉ là lướt facebook và thấy mọi người ai cũng có một cuối tuần thật vui vẻ còn mình thì không".

Dựa trên những mô tả này, tôi đã cho anh bạn của mình một vài gợi ý để giúp kỳ nghỉ cuối tuần trở nên ý nghĩa hơn và tránh "Hội chứng Chủ Nhật".

1. Có kế hoạch cho cuối tuần của bạn

Hội chứng Chủ Nhật là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn - Ảnh 4.

Có thể bạn đã phải lên kế hoạch cho công việc trong cả tuần và chán ngấy với việc này rồi, nhưng lên kế hoạch cho cuối tuần thực sự là một cái gì đó rất khác. Cảm giác một kỳ nghỉ "vụt bay qua" thực ra chính là việc bạn đã sử dụng thời gian của mình một cách vô tội vạ.

Bạn không có một điểm mốc nào để đạt tới, để đánh dấu thời gian. Và không có kế hoạch cũng đồng nghĩa bạn không có những checklist hay đầu việc hoàn thành, bạn sẽ không cảm thấy được cảm giác mãn nguyện khi hoàn thành chúng.

Bởi vậy, đôi khi viết xuống một kế hoạch ngủ nướng, tưởng chừng thật nhàm chán cho một cuối tuần cũng có thể khiến bạn có được cảm giác tích cực hơn khi đã hoàn thành chúng.

2. Hãy ngủ - một giấc thật chất lượng

Hội chứng Chủ Nhật là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn - Ảnh 5.

Đúng vậy, chúng ta nói đến ngủ, nhưng là một giấc ngủ có chất lượng thực sự. Một trong những mục tiêu của ngày nghỉ cuối tuần là giúp cơ thể bạn được hồi phục. Một giấc ngủ sâu sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đó. Nhưng nó có thể bị phá vỡ bởi một đêm thứ Bảy quá chén, hoặc một cốc cà phê vào buổi tối.

Bạn có thể ngủ nướng vào sáng Chủ Nhật, nhưng hãy cố gắng thức dậy trước giờ ăn trưa và tận hưởng một chút ánh nắng vào buổi sáng. Ánh sáng cường độ cao không chỉ giúp cơ thể hấp thụ vitamin D mà còn giúp tăng các hooc-môn thúc đẩy tâm trạng bạn tốt hơn.

3. Đa dạng hóa hoạt động của bạn

Hội chứng Chủ Nhật là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn - Ảnh 6.

Đừng dành cả cuối tuần của mình chỉ để ngủ, lướt mạng xã hội, hay chơi game. Tất nhiên, bạn vẫn có thể thêm chúng vào kế hoạch cuối tuần của mình, nhưng hãy đa dạng nó bằng các hoạt động thú vị hơn chẳng hạn như: lên lịch cho một chuyến leo núi, một buổi xem phim với bạn bè, một công việc tình nguyện, chơi với trẻ em, thú cưng… Hay nếu bạn muốn dành thời gian cho bản thân mình, hãy đi làm đẹp, cắt tóc, massage thư giãn, đọc sách, viết nhật ký…

Một mẹo nhỏ là hãy cân bằng các hoạt động xã hội với thời gian dành cho bản thân bạn, cân bằng các hoạt động thể chất với tinh thần.

4. Liệu pháp hành vi nhận thức

Hội chứng Chủ Nhật là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn - Ảnh 7.

Có thể điều này nghe sẽ sáo rỗng nhưng bạn hãy thử thay đổi suy nghĩ của mình một chút. "Hội chứng Chủ Nhật" thực ra bắt nguồn từ việc bạn đang lo lắng cho tương lai, về những gì sắp đến trong tuần tới – công việc mà bạn sẽ phải làm tiếp, các cuộc gặp gỡ và trò chuyện.

Nhưng nếu bạn cứ lo lắng về tương lai đó thì bạn có thể mất cả một buổi chiều và tối thú vị. Thay vào đó, hãy tự nhủ rằng mình vẫn còn đang ở đây, ngay vào lúc này. Đó vẫn là Chủ Nhật của riêng bạn, không có công việc. Bạn vẫn có thể mời bạn bè đến ăn tối, xem TV hay làm bất cứ những gì mình muốn vào thời gian này.

5. Biến thứ Hai thành niềm hứng khởi thay vì nỗi sợ hãi

Hội chứng Chủ Nhật là gì? Và 5 mẹo để ngăn nó đánh cắp kỳ nghỉ của bạn - Ảnh 8.

Áp lực công việc, tiền bạc và cuộc sống có thể sẽ bủa vây bạn vào sáng Thứ Hai khiến bạn choáng ngợp và lạc hướng. Nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được điều đó bằng cách lập sẵn một kế hoạch làm việc cho tuần sau của mình.

Và hãy làm điều đó vào thứ Sáu thay vì Chủ Nhật. Điều này sẽ giúp bạn vừa có một cuối tuần hoàn chỉnh, vừa khiến bạn cảm thấy sẵn sàng hơn để đối đầu với những thử thách trong tuần mới. Suy cho cùng, Thứ Hai không phải điều gì đó quá kinh khủng, đó chỉ là một ngày làm việc khác trong đời mà thôi.

Tham khảo Atlantic, Nbcnews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại