Cụ ông 70 tuổi "thập tử nhất sinh" vì một chiếc xương cá
Vào ngày 6/2 vừa qua, trang 163 News (Trung Quốc) đã đăng tải thông tin về ca cấp cứu cho cụ ông 70 tuổi trong tình trạng hết sức nguy kịch. Điều đáng nói là tai nạn hy hữu khiến cụ ông suýt mất mạng lại bắt nguồn từ… một chiếc xương cá!
Nạn nhân của vụ việc là ông Trịnh sống tại thành phố Hàng Châu. Vào khoảng hơn 10 ngày trước đó, cụ ông 70 tuổi này đột nhiên cảm thấy lồng ngực đau nhức.
Ngay sau đó, ông được người nhà đưa tới bệnh viện địa phương. Nhận thấy tình trạng của bệnh nhân có nhiều điểm nghiêm trọng bất thường, các bác sĩ tại đây đã đề nghị chuyển ông Trịnh lên bệnh viện tuyến trên.
Chưa tới 8h sáng ngày hôm đó, ông Trịnh đã được con gái đưa tới Khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Nhân dân Chiết Giang. Cụ ông này nhập viện trong tình trạng lồng ngực đau tức, miệng không ngừng nôn ra máu.
Theo thông tin được các bác sĩ cung cấp, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ông Trịnh đã nôn tới 2000ml máu, nồng độ hemoglobin giảm xuống còn 4g/l, nguy cơ tử vong rất cao.
"Cảnh tượng khi ấy thực sự khiến tôi kinh hãi" – con gái ông Trịnh vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại tình trạng nguy kịch của bố khi đó.
Các bác sĩ lập tức tiến hành kiểm tra cho bệnh nhân và phát hiện trong thực quản của ông Trịnh có một vết nứt khoảng 3mm, dạ dày còn lưu hơn 1000ml máu.
Ông Trịnh được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Chiết Giang tiếp nhận trong tình trạng nguy kịch. (Ảnh: Nguồn Internet).
Trước tình trạng bất thường này, bác sĩ đặt câu hỏi với con gái của ông Trịnh: "Trong thời gian gần đây bệnh nhân có từng bị hóc xương hay không?" Lúc này, con gái ông Trịnh mới nhớ ra cách đó 2 tháng, cha mình từng phải đi khám vì hóc xương cá.
Cô kể lại, vào khoảng 2 tháng trước cả gia đình có đi ăn tiệc. Mâm cơm hôm đó có món cá trích.
"Cá trích tuy nhiều xương, nhưng người nhà chúng tôi đều thích ăn, bố tôi cũng không phải ngoại lệ".
Nhưng trong lúc ăn cá, ông Trịnh bỗng nhiên bị hóc xương, cổ họng liên tục cảm thấy đau đớn. Mặc dù đã ăn nhiều cơm, rau, nhưng chiếc xương không hề trôi xuống mà vẫn mắc ở cổ họng.
Lúc đó, gia đình liền đưa ông Trịnh tới bệnh viện địa phương. Tuy nhiên các bác sĩ tại đây không phát hiện ra điều gì bất thường. Hai ngày sau khi trở về nhà, ông Trịnh cảm thấy cổ họng hết đau và ăn uống bình thường trở lại. Gia đình ông vì vậy mà dần quên đi sự việc này.
Trước thông tin được người nhà bệnh nhân cung cấp, các bác sĩ tiếp tục chụp CT kiểm tra thực quản. Lúc này, họ phát hiện ra gần động mạch chủ và thực quản xuất hiện khối giả phình động mạch (pseudoaneurysm) đường kính 4mm.
Máu từ ổ phình này liên tục tràn vào thông qua vết thương trên thành thực quản.
Ảnh chụp CT vùng thực quản của ông Trịnh. (Ảnh: nguồn Internet).
Từ những hình ảnh chẩn đoán trên, bác sĩ đưa ra kết luận về trường hợp của ông Trịnh:
"Xương cá đâm rách thực quản, lại đâm xuyên qua động mạch chủ, hình thành giả phình mạch và dẫn tới tình trạng xuất huyết".
Xương cá đâm rách động mạch chủ là trường hợp vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân là bởi huyết áp lưu thông bên trong động mạch rất lớn.
Một khi động mạch bị tổn thương, người bệnh chỉ cần khom lưng hay cười đều có thể gây vỡ động mạch, dẫn tới tình trạng mất máu không ngừng và gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Do phát hiện nguyên nhân kịp thời, ông Trịnh đã được đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Chiết Giang phẫu thuật cắt giả phình động mạch, ngăn chặn động mạch chủ bị vỡ và cầm máu thành công.
Hiện tại, bệnh nhân 70 tuổi này đã qua cơn nguy kịch và đang trong quá trình phục hồi sức khỏe.
Cụ ông 70 tuổi này cùng người nhà đã trải qua một phen "hú hồn" chỉ vì một chiếc xương cá. (Ảnh: Nguồn Internet).
Thận trọng khi ăn cá
Trường hợp của cụ ông 70 tuổi suýt mất mạng chỉ vì một chiếc xương cá là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta về những nguy hiểm tiềm tàng từ thói quen ăn uống hằng ngày, đặc biệt là các món cá.
Để tránh gặp những biến chứng nguy hiểm từ việc hóc xương cá, khi tiến hành chế biến các món ăn từ loại thực phẩm này, bạn nên lọc riêng phần thịt và phần xương. Cần lưu ý rằng tuyệt đối không nên chặt cá lẫn với xương, vì những xương nhỏ sẽ khó có thể loại bỏ hết.
Trong bữa cơm, bạn cần tập trung tối đa khi ăn cá, không nên cười đùa, nói chuyện để tránh bị xao lãng và hóc xương. Đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ, người nhà càng nên gỡ xương kỹ trước khi cho những đối tượng này ăn cá.
Nếu muốn thưởng thức những loại cá nhỏ, cách an toàn hơn cả là bạn nên xay cá cho nhuyễn và hạn chế ăn những loài có nhiều xương dăm.
Lọc xương cá cẩn thận trong khi chế biến là cách đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. (Ảnh minh họa).
Nên làm gì khi bị hóc xương cá?
Khi bị hóc xương, nhiều người thường xử lý bằng cách uống giấm hoặc ăn cơm, ăn rau để xương dễ dàng "trôi" xuống. Trên thực tế, việc uống giấm không thể làm xương cá mềm ra. Tuy có tác dụng giảm đau, nhưng hình thức này lại gây kích thích cho dạ dày và có hại cho hệ tiêu hóa.
Tương tự như vậy, thói quen ăn cơm, ăn rau khi bị hóc xương lại càng thêm nguy hiểm. Nuốt thức ăn trong lúc bị hóc xương sẽ khiến cho xương càng đâm sâu vào thực quản, vết thương trở nên trầm trọng, thậm chí có nguy cơ rách thực quản và gây nguy hiểm cho nạn nhân.
Trong trường hợp xương theo thức ăn trôi xuống dạ dày, phần lớn chúng sẽ bị acid tại đây làm tan ra.
Tuy nhiên, có một số loại xương "cá biệt" vẫn giữ nguyên hình dạng sắc nhọn ngay cả khi ở trong dạ dày. Chúng có nguy cơ đi vào gan hoặc xuống hậu môn và gây nên những tổn thương nghiêm trọng tại các cơ quan này,
Vì vậy, theo kiến nghị của các chuyên gia y tế, cách xử lý an toàn nhất khi bị hóc xương cá là nhanh chóng tới các cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiến hành gắp bỏ.