Trong mắt người lớn, trẻ nhỏ lúc nào cũng thật ngô nghê, đáng yêu. Tuy nhiên, đừng tưởng trẻ nhỏ thì không biết gì. Có những em tuy nhỏ tuổi nhưng suy nghĩ không khác gì "ông cụ non", "bà cụ non", đến mức chính người lớn cũng phải gật gù ngợi khen. Chẳng hạn, một học sinh ở Trung Quốc từng có bài văn khiến cô giáo phải chấm 100 điểm tuyệt đối (tương đương 10 điểm ở Việt Nam). Những suy nghĩ mà em này chia sẻ trong bài văn khiến cô giáo phải phì cười, đồng thời ngợi khen em thông minh, có suy nghĩ sáng tạo.
Theo đó, khi được cho đề bài "Thế nào là người thành công", em này đã định nghĩa sự "thành công" trong từng độ tuổi. Cụ thể, em viết:
" 3 tuổi, không tè ra quần. 5 tuổi, có thể tự ăn cơm. 18 tuổi, có thể tự lái xe. 20 tuổi, có bạn gái. 30 tuổi, giàu có. 40 tuổi, giàu có. 50 tuổi, vẫn giàu có. 60 tuổi, có bạn đời bên cạnh.
70 tuổi, vẫn có thể lái xe. 80 tuổi, vẫn có thể tự ăn. 90 tuổi, không tiểu tiện ra quần. 100 tuổi, có tuổi rồi nhưng vẫn chưa bị treo ảnh trên tường. 300 tuổi, vẫn được treo ảnh trên tường".
Có thể hiểu rằng, cậu bé này đang đề cập đến những "thành tích" của mỗi con người trong từng giai đoạn cuộc đời. Nếu khi nhỏ tuổi (3, 5 tuổi) là có thể tự thực hiện được những kỹ năng chăm sóc cá nhân cơ bản thì đến tuổi thanh thiếu niên (18, 20 tuổi) là việc bắt đầu học những kỹ năng cuộc sống cao hơn như lái xe, bắt đầu va vấp xã hội, có mối quan hệ với bạn khác giới. Đến khi lớn tuổi hơn là có của ăn, của để. Đến khi tuổi 60, hạnh phúc chính là khi vẫn có người bầu bạn sớm tối. Và khi đã đến tuổi "thất thập cổ lai hy" thì vẫn còn sức khỏe, minh mẫn là điều tuyệt vời nhất. Sau này, khi bạn đã qua đời nhiều năm (300 tuổi), thành công chính là vẫn còn con cháu nhớ đến, thờ cúng.
Bài văn của em học sinh sau đó được chia sẻ lên mạng xã hội và nhận về rất nhiều bình luận. Không ít cư dân mạng cho rằng, mong ước của họ cũng giống y như bài văn của em này. "Cậu nhóc này khá đấy chứ. Đọc văn của em ấy mà tôi tưởng tượng ra được một cả đời người", "chí lí thật đấy", ... là một số bình luận của cư dân mạng.