Có một trường trung học ở miền nam California, Mỹ, mà không ai là không biết đến. Ngôi trường này không nổi tiếng vì những thành tích đáng khen mà nói đúng hơn là vô cùng tai tiếng về chất lượng học sinh ở đây.
Không những học kém, lười biếng mà học sinh ở đây còn khiến thầy cô ngán ngẩm vì rất ương bướng, ngỗ nghịch, phá phách.
Trường trung học Garfield còn được biết đến với một cái tên khác là "Trường trung học tồi tệ nhất trong những trường tồi tệ".
Thực ra, học sinh của trường đều là những đứa trẻ được sinh ra tại các khu phố nghèo, tệ nạn đầy rẫy và gia đình gần như không có đủ khả năng chi trả tiền học phí như bình thường.
Mọi người đều cho rằng ngôi trường này đã bị Thượng đế bỏ rơi, những đứa trẻ theo học ở đây sẽ không có một tương lai sáng sủa nào hết.
Phép màu luôn xảy ra khi chẳng còn ai đoái hoài đến niềm tin
Tuy nhiên, giữa nơi đầm lầy tối tăm nhất vẫn có thể có phép màu xảy ra. Phép màu ấy thật sự là một ngọn lửa nhen nhóm cho tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ đáng thương, và, tất nhiên, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để làm nên điều kì diệu ấy.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1974, khi Jaime Esscalante, một giáo viên nước ngoài, 44 tuổi, đến trường Garfield giảng dạy bộ môn toán học.
Trước khi đến đây làm việc, tất nhiên, thầy Esscalante cũng đã nghe đến những lời đồn về tường trung học này.
Tuy có thâm niên nhiều năm trong nghề giáo nhưng thầy vẫn không thể tin được rằng, trên đời này, lại có những đứa trẻ ngỗ ngược và cứng đầu đến vậy, thậm chí chúng còn thách thức ông.
Chúng mặc những bộ đồ kì dị, chẳng giống chút nào so với một học sinh bình thường, bàn ghế xiêu vẹo, không theo lề lối, thái độ khó chịu, cáu kỉnh, giương đôi mắt mệt mỏi nhìn Esscalante.
Khi thầy vừa bước vào lớp học, bọn trẻ đã cùng nhau hô hào, tỏ thái độ không phục đối với Esscalante, có học sinh còn giơ ngón tay "thối" để hăm dọa ông: "Chúng tôi không muốn học toán, chúng tôi chỉ muốn học các lớp giáo dục giới tính. Ông không được chào đón ở đây!".
Mặc dù có hơi buồn và thất vọng nhưng thầy Esscalante nghĩ rằng bất kì vấn đề nào chắc chắn cũng có cách giải quyết. Và thực sự, cách giải quyết của thầy có hiệu quả thật.
Vì muốn những đứa trẻ ngang bướng này có thể nghe lời và ngoan ngoãn đi học, ngày hôm sau, thầy Esscalante đã mặc một bộ đồ đồng phục của đầu bếp và mang theo một con dao phay đến lớp.
Khi ông bước vào lớp, tất thảy những đứa trẻ trong lớp đều cảm thấy bất ngờ và bối rối, không hiểu ông sẽ làm gì chúng. Cùng với đó, để nắm bắt tâm lí của những đứa trẻ, ông cũng học ngôn ngữ địa phương thông dụng mà những đứa trẻ ở đây sử dụng hằng ngày.
From zero to hero: Bất cứ ai cũng trở thành người hùng
Những đứa trẻ ngang bướng ở trường trung học Garfield, trước khi được gặp thầy Esscalante, đã luôn suy nghĩ rằng giáo viên ở đây đều là rác rưởi, chẳng ai có đủ trình độ để giúp bất kì một học sinh nào có thể vào đại học, và cả ngôi trường này nữa, thật sự thối nát và học sinh không bao giờ có thể tìm thấy bất cứ hi vọng nào ở đây.
Vậy nên, để thay đổi suy nghĩ ấy, không phải ai cũng đủ dũng cảm như thầy Esscalante.
Với sự chân thành, tận tâm và luôn động viên học sinh của Esscalante, bọn trẻ ngày từng ngày đã dần thay đổi. Chúng trở nên ngoan ngoãn hơn, tự tin hơn, có suy nghĩ tích cực hơn và dám tin bản thân có thể làm được những điều mà trước đây bản thân chưa từng nghĩ đến.
Bất kì ai biết câu chuyện đến đây đều nghĩ mọi việc thật suôn sẻ, tốt đẹp đến bất ngờ. Nhưng không, chính sự nhiệt tình của thầy Esscalante lại khiến trợ lí hiệu trưởng thời bấy giờ muốn đuổi việc ông.
Bởi lẽ, thầy lên lớp quá sớm và cho học sinh tan học quá muộn, giờ hành chính bị gián đoạn, các tiết kiểm tra định kì của học sinh được cho phép không cần theo một luật lệ truyền thống nào cả. Sự phản đối gay gắt này chỉ dừng lại khi trường trung học Garfield có hiệu trưởng mới.
Ngoài ra, Esscalante còn mở thêm các lớp học vào ngày nghỉ để giúp đỡ bọn trẻ, bù lại, thời gian nghỉ hè của chúng bị rút ngắn.
Chính vì thế, mà thầy Escalante bị lao lực, bệnh tim tái phát. Các bác sĩ đã khuyên ông nên nghỉ ngơi một tháng nhưng vì tình yêu với nghề giáo và lời hứa với lũ trẻ nên ngay ngày hôm sau, ông lại lên lớp như bình thường.
Cũng vì nhờ sự chỉ dẫn tận tình của thầy giáo và sự chăm chỉ mà lũ trẻ đã tự mình tạo ra phép màu: 5 trên 18 em đã vượt qua các kì thi AP (chương trình thi dành riêng cho học sinh trung học phổ thông lớp 11 và 12).
Một năm tiếp theo, toàn bộ các em học sinh trong lớp đều đã vượt qua kì thi này – điều mà chẳng có ai ngờ lại có một ngày xảy ra. Thầy Escalante đã trở nên nổi tiếng vào năm 1982 khi 18 học sinh của ông vượt qua bài thi Toán nâng cao.
Tuy nhiên, ban tổ chức lại tỏ ra nghi ngờ với kết quả này và họ đã ra quyết định hủy bỏ thành tích của các em học sinh.
Chẳng ai có thể tin rằng những học sinh kém của một trường vốn dĩ đã tai tiếng trên cả nước từ lâu lại có thể đạt được những thành tích cao như vậy. Một cuộc kiểm tra lại đã được thực hiện và các em một lần nữa chứng minh được khả năng thực sự của mình.
Có tình yêu, không việc gì là không thể
Năm 1983, số sinh viên đăng ký và vượt qua bài kiểm tra tính toán AP tăng gấp đôi. Thật vui mừng là 33 sinh viên đăng ký thi và có 30 học sinh đã đậu.
Thầy Escalante cũng bắt đầu giảng dạy môn toán ở trường East Los Angeles College. Đến năm 1987, 73 sinh viên đã vượt qua bài kiểm tra AB của môn AP và 12 người khác vượt qua kỳ thi BC. Đây là đỉnh cao của chương trình tính toán tại Hoa kỳ.
Cựu sinh viên trường học thế hệ may mắn được Escalante giảng dạy từ năm 1976 đến năm 1995 cho biết đối với họ ông là một huyền thoại.
Nhiều người trong số họ đã đỗ vào các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Hiện tại họ đều là những người thành công trong các lĩnh vực của mình như y khoa, luật pháp, kinh doanh, kỹ thuật, giáo viên, sĩ quan cảnh sát,...
Thomas Valdez, một kỹ sư nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cho biết trong 3 năm được học với thầy Escalante là bước ngoặc lớn nhất cuộc đời, Thomas thực sự ngưỡng mộ tài năng và đạo đức của người thầy đáng quý này.
Năm 2010, thầy Escalante qua đời vì ung thư. Nhưng danh tiếng về một nhà giáo tâm huyết, thành công nhất ở Hoa Kì vẫn được lưu truyền từ năm này qua năm khác.
Câu chuyện của ông đã trở thành niềm cảm hứng cho bất kì một học sinh hay một giáo viên nào với thông điệp là: Không gì là không thể làm được, chỉ cần cố gắng và tâm huyết với việc mình làm thì chắc chắn sẽ thành công.