Học giả Trung Quốc ngang ngược đòi lập ADIZ ở Biển Đông

Quốc Vinh |

Dù đã nhiều lần bị dư luận quốc tế phản đối, giới học giả Trung Quốc lại mạnh miệng tuyên bố thiết lập vùng ADIZ nhằm đáp trả việc tuần tra trên biển của Mỹ.

Theo VOA, các học giả Trung Quốc trong tuần này tiếp tục ngang nhiên tuyên bố đã sẵn sàng thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông, một động thái khuấy động căng thẳng và đơn phương xâm lấn chủ quyền lãnh thổ nhiều nước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng một động thái như vậy không chỉ làm khuấy động căng thẳng mà còn không thể ngăn cản được tự do đi lại trong khu vực.

Học giả Trung Quốc ngang ngược đòi lập ADIZ ở Biển Đông - Ảnh 1.

Giới học giả Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Mục đích của Bắc Kinh là kiểm soát mọi hoạt động của tàu thuyền nước ngoài cũng như các máy bay bay qua vùng không phận.

Tuyên bố của Trung Quốc là hành động bất chấp pháp luật, tiếp tục nhấn mạnh ý định phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra hôm 12/7 trong đó bác bỏ chủ quyền "đường chín đoạn" phi lý của nước này trên Biển Đông.

Kể từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với 95% lãnh thổ trên Biển Đông, đồng thời tiến hành chiếm đóng, quân sự hóa trái phép trên các đảo, đá vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Vin vào cái gọi là "chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông", Bắc Kinh tuyên bố có quyền lập vùng ADIZ ngay sau khi phán quyết PCA được đưa ra, bất chấp sự lên án của dư luận quốc tế.

Nhóm học giả cố vấn cho chính phủ Bắc Kinh đến từ Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc mới đây đã một lần nữa lên tiếng đổ lỗi cho việc Mỹ tiến hành 700 cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông vào năm ngoái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Họ yêu cầu chính phủ Bắc Kinh phải tiến hành thiết lập ADIZ và sẽ chỉ ngừng lại khi Washington cũng có hành động tương tự.

“Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nếu Mỹ tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát trong khu vực”, ông Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng viện nghiên cứu nói trên, cảnh báo.

Nhận định về lời đe dọa này, Euan Graham, Giám đốc An ninh quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy tại Sydney cho biết. "Nếu Trung Quốc quyết định đi tới điều này, sẽ có các cuộc tập trận diễn ra trong khu vực để tạo tiền đề cho việc thiết lập ADIZ được diễn ra".

Trong một động thái gần đây, một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc cũng lớn tiếng hăm dọa rằng quân đội nước này có khả năng đồng thời tham chiến trên trên cả hai vùng biển bao gồm Biển Đông và biển Hoa Đông - nơi hiện Bắc Kinh đang có tranh chấp Nhật Bản. Vào năm 2013, Trung Quốc cũng đã đơn phương tuyên bố một vùng ADIZ trên vùng biển này.

Chuẩn đô đốc Doãn Trác cho biết khả năng này đã được thể hiện rõ qua cuộc tập trận thường lệ ở tây Thái Bình Dương hôm 25/11, với các chuyến bay đồng thời giữa eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines ở Biển Đông, cũng như eo biển Miyako ở biển Hoa Đông.

Mặc dù thừa nhận “bay qua hai eo biển cùng một lúc thực sự là một thách thức lớn đối với không quân Trung Quốc”, ông Duẫn vẫn tự tin nói “kể cả khi chiến tranh nổ ra đồng thời ở Biển Đông và biển Hoa Đông, không quân nước này vẫn có khả năng tham chiến”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của không quân Trung Quốc hôm 26/11 nói rằng lực lượng này sẽ duy trì cũng như nâng cao “khả năng chiến lược theo lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.

Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales trước đó dự báo rằng Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không quy mô nhỏ, sử dụng radar được lắp đặt trên khu vực Scarborough phía tây Philippines, tạo thành góc thứ ba trong tam giác kết nối các chuỗi đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên kể từ sau phán quyết PCA, Trung Quốc đã trở nên kiềm chế hơn ở Biển Đông, đồng thời hàn gắn lại quan hệ với một số quốc gia láng giềng thông qua hợp tác kinh tế, đầu tư.

Do vậy, chuyên gia Graham cho rằng "Trung Quốc hiện tại không trong tâm thế hướng tới việc thực thi một vùng ADIZ, mà ngược lại chính phủ đang tìm kiếm một cách tiếp cận thận trọng hơn".

Sau những căng thằng về tranh chấp lãnh thổ với Philippines cũng như phải đón nhận sức ép nặng nề từ dư luận quốc tế. Trung Quốc hiểu được rằng bị cô lập là điều không có lợi, nhất là khi nước này đang hướng tới việc xây dựng hình ảnh một cường quốc toàn cầu, có trách nhiệm.

Giới quan sát đánh giá Bắc Kinh đã "tự kiềm chế" mình nhiều hơn, đồng thời gây dựng lại hình ảnh của mình trước các nước láng giềng khu vực và trên các hội nghị quốc tế. Gần đây Bắc Kinh đã bất ngờ nhân nhượng về việc cho phép ngư dân Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough.

Trên thực tế, các lời tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc thường mang tính "hăm dọa" mỗi khi nước này thể hiện sự phản đối trước những tuyên bố hay động thái bất lợi nhắm vào mình từ bên ngoài.

Trước đó, khi tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông với yêu cầu máy bay tiến vào khu vực này phải tuân thủ theo luật của Trung Quốc nếu không sẽ đối mặt với "những biện pháp bảo vệ khẩn cấp", phía Mỹ đã phái 2 máy bay ném bom B-52 từ Guam bay qua như một động thái kiểm tra và cho biết đã "không có phản ứng rõ ràng của Trung Quốc".

Giới chuyên gia quốc phòng từng lo ngại Bắc Kinh có thể thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông sau khi có phán quyết của tòa quốc tế về vụ kiện của Philippines. Hành động đơn phương này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng đe dọa an ninh khu vực, cũng như kéo theo các bên liên quan phải nhập cuộc.

Tuy nhiên, Mỹ khẳng định sẽ không công nhận một "vùng cấm bay" dựa trên nền tảng tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông như từng không công nhận ADIZ trên biển Hoa Đông.

Trước những động thái xâm phạm chủ quyền và gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông, phía Việt Nam luôn duy trì chủ trương nhất quán: 

Kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động sai trái, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại