Trao đổi với phóng viên TTXVN tại thành phố St. Petersburg mới đây, các học giả và cựu chiến binh Nga đã bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông, trong đó ủng hộ giải quyết hòa bình, theo luật pháp quốc tế các tranh chấp tại vùng biển này.
Đại tá Aleksey Ivanovich Skrebliukov, Chủ tịch Hội các cựu chiến binh từng có thời gian phục vụ ở Việt Nam tại St. Petersburg, cho biết ngay từ những năm 1950 của thế kỷ trước, trong một báo cáo, Tổng thống Mỹ khi đó đã cho rằng Biển Đông có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng và mang lại nhiều nguồn lợi to lớn. Ông Skrebliukov đánh giá rằng tình hình Biển Đông rất phức tạp và biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề là thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, không được xây dựng công trình quân sự, quân sự hóa Biển Đông, vì điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy tồi tệ hơn, đồng thời có thể khiến cho bên thứ 3 can thiệp.
Đề cập đến quan hệ hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, ông Skrebliukov cho biết ngay từ năm 1965 một đoàn chuyên gia Liên Xô trước đây đã tới Việt Nam để tiến hành khảo sát, hiện Việt Nam và Liên bang Nga nên tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí vì mục đích tăng cường quan hệ, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Trong khi đó, ông Vasilyi Grigorievich Gladyshin, Chủ tịch Tổ chức liên vùng Hội các cựu chiến binh Nga ở St. Petersburg, cho rằng căng thẳng ở Biển Đông là do thiếu sự hòa hợp. Sự hòa hợp giúp đẹm lại hòa bình cho không chỉ khu vực mà cả thế giới, bởi vậy cần giải quyết bất đồng thông qua thương lượng, không gây áp lực cho nhau, không để tình hình căng thẳng leo thang và không để chiến tranh xảy ra.
Về phần mình, Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, cho rằng việc một nước cản trở hoạt động của công ty đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với Việt Nam để thăm dò và khai thác khoáng sản ở Biển Đông là điều kỳ quặc. Điều này sẽ hủy hoại lòng tin. Và nếu xảy ra sự cố, nó sẽ tác động tiêu cực tới tình hình về đầu tư, kinh tế, hòa bình và an ninh ở khu vực này.
Giáo sư Kolotov nhận định rằng trong vòng 1 thập kỷ qua, khu vực Đông Nam Á lẫn Đông Bắc Á đều đã nâng cao vị thế trên thế giới. Đông Nam Á là khu vực phát triển mạnh mẽ vì tại đây có hòa bình. Chính vì vậy, nếu xảy ra chiến tranh do tranh chấp lãnh thổ, nguồn đầu tư sẽ chảy sang khu vực khác.