Biển Đông: Mỹ, Nhật đầu tư vào nơi đang có đối đầu Trung Quốc-Indonesia

Kiệt Linh |

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang háo hức muốn đầu tư vào quần đảo Natuna trong bối cảnh Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang tăng cường các nỗ lực nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải giàu tài nguyên ở Biển Đông này.

Ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều thể hiện mong muốn được đầu tư vào ngành sản xuất và chế biến hải sản ở quần đảo Natuna, Bộ trưởng Các Vấn đề Hàng hải và Đầu Tư của Indonesia – ông Luhut Pandjaitan hôm nay (17/1) đã cho các phóng viên ở thủ đô Jakarta biết như vậy. Indonesia đang có cuộc đối đầu gay gắt với Trung Quốc ở quần đảo Natuna.

“Các nhà đầu tư người Mỹ đã thể hiện mong muốn đó cùng với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đối với chúng tôi, việc các nhà đầu tư đến từ đâu không quan trọng”, ông Padjaitan bày tỏ.

Nỗ lực của Tổng thống Widodo trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào quần đảo Natuna có thể làm leo thang căng thẳng giữa Indonesia với Trung Quốc sau khi xảy ra cuộc đối đầu nảy lửa giữa hai nước vì việc tàu Trung Quốc xâm phạm vào cùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực này. Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng nước này nhấn mạnh các quyền chủ quyền của họ ở khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Natuna.

“Chiến tranh là biện pháp cuối cùng trong tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ không đàm phán về các quyền chủ quyền và lãnh thổ của chúng tôi”, ông Pandjaitan cứng rắn cho biết khi nói về cuộc đối đầu giữa Indonesia với Trung Quốc ở quần đảo Natuna.

Bộ Ngoại giao Indonesia hồi đầu tháng này đã phải triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đến để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với vụ việc tàu của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở ngoài khơi bờ biển thuộc quần đảo phía bắc Natuna. Một văn bản ngoại giao chính thức thể hiện sự phản đối của Indonesia cũng đã được gửi đến Trung Quốc.

Bắc Kinh khăng khăng cho rằng nước này “có các quyền lịch sử” trong khu vực và rằng các tàu đánh cá của họ đã thực hiện những hoạt động “hợp pháp và hợp lý”.

Indonesia tuyên bố không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng sẽ không dung thứ cho bất kỳ vụ xâm phạm nào của Trung Quốc vào các vùng lãnh hải của họ. “Sẽ không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào trong vấn đề chủ quyền của Indonesia”, phát ngôn viên của Tổng thống Indonesia – ông Fajroel Rachman mới đây đã nhấn mạnh như vậy.

Không giống như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác, Indonesia từ lâu luôn khẳng định nước này không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, yêu sách chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và gần đây tàu thuyền hai bên bắt đầu có nhiều cuộc đụng độ, va chạm ở khu vực hơn. Các lực lượng Indonesia quyết liệt chặn tàu cá Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Natuna.

Sau những cuộc đối đầu căng thẳng vào năm 2016, Tổng thống Widodo đã đích thân đến thăm quần đảo Natuna trên một chiếc tàu chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia kể từ đó đã vạch ra các kế hoạch tăng cường tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và vũ khí quân sự hạng nặng đến quần đảo của họ ở Biển Đông.

Biển Đông được xem là một trong những những điểm nóng nhất ở Châu Á hiện giờ. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, thậm chí cả với những khu vực nằm giáp với bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa vào yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.

Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại