Vì sao ngư dân Trung Quốc vớt được nhiều "gián điệp dưới nước"?

Bình Giang |

Những dòng tit như “Trung Quốc thưởng cho các ngư dân vớt được thiết bị do thám của nước ngoài” nghe có vẻ lạ. Nhưng đằng sau đó là câu chuyện không đơn giản như thế, theo BBC.

Không phải chỉ một hoặc hai ngư dân Trung Quốc được trao thưởng vì lý do này trong năm 2019 mà có tới 11 người, trong đó có một phụ nữ, còn lại là đàn ông. Họ vớt được tổng số 7 thiết bị.

Họ không phải những ngư dân đầu tiên từ tỉnh Giang Tô tìm thấy “thiết bị do thám không người lái”. Năm 2018, khoảng 18 người nhận được phần thưởng như thế này vì vớt được 9 thiết bị.

Khoản tiền thưởng mà họ nhận được khá lớn, lên đến 500.000 tệ (gần 1,7 tỷ), gấp khoảng 17 lần thu nhập bình quân khả dụng ở Trung Quốc.

Vậy những thiết bị lặn gián điệp đó đến từ đâu? Nhiệm vụ của chúng là gì? Vì sao chúng đáng giá? Và vì sao ngư dân Trung Quốc vớt được nhiều đến vậy?

Giang Tô là tỉnh ở phía đông Trung Quốc, có đường bờ biển dài hơn 1.000km.

Đường bờ biển này nhìn sang Nhật Bản và Hàn Quốc, còn đảo Đài Loan chỉ cách khoảng 500 dặm về phía nam. Vị trí địa lý này cùng với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực có thể giải thích vì sao ngư dân Trung Quốc liên tục vớt được thiết bị lặn.

Trung Quốc không tiết lộ những thiết bị đó đến từ đâu, chỉ nói rằng chúng “được làm ra ở nước khác”.

Nhưng ông Alexander Neill, một chuyên gia về khu vực, cho rằng những thiết bị đó có thể đến từ Hải quân Mỹ, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và có thể cả Đài Loan.

Vậy người Mỹ, Nhật, hay Đài Loan muốn biết những gì?

Năm 2009, Hải quân Mỹ tài trợ cho một nghiên cứu đối với các thiết bị dưới nước, thường được gọi là “phương diện lặn không người lái” (UUV). Nghiên cứu này gợi ý những cách sử dụng UUV như sau:

- Theo dấu “các tàu ngầm có thể là kẻ thù”

- Tìm kiếm và xử lý ngư lôi, đặc biệt trong vùng biển của nước khác

- Triển khai thiết bị giám sát

- Giám sát “cấu trúc dưới biển”, như hệ thống cáp thông tin liên lạc

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh sức mạnh của các UUV. Tàu lượn, tức loại UUV cỡ nhỏ, có thể là thiết bị mà các ngư dân Giang Tô tìm ra, có thể hoạt động trong nhiều tháng và được coi là có mức giá rẻ. Rẻ ở đây cũng có nghĩa là hàng chục ngàn đô la Mỹ.

Chi phí, tầm xa và khả năng hoạt động khiến các “gián điệp dưới nước” ngày càng đóng vai trò quan trọng. Ông Neill ước tính đang có vài trăm thiết bị như vậy được sử dụng khắp thế giới.

Điều này giúp giải thích tại sao các UUV liên tục mắc lưới ngư dân Trung Quốc. Nước này có lực lượng đánh bắt hải sản hùng hậu nên khả năng vớt được phương tiện không người lái dưới nước cũng cao hơn.

Nhưng có một thực tế là lực lượng ngư dân của Trung Quốc khác của nước khác. Một số ngư dân nước này là người của quân đội, nên hiểu cách đơn vị khác thường này hoạt động là có thể giải thích lý do vì sao họ luôn tìm kiếm các thiết bị quân sự.

Lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc thuộc lực lượng dân quân toàn quốc và kà đội ngũ dự bị.

Theo một báo cáo đưa ra năm 2017 của Bộ Quốc phòng Mỹ, dân quân biển của Trung Quốc đang “đóng vai trò quan trọng trong nhiều chiến dịch quân sự và các vụ việc cưỡng ép trong các năm qua”.

Trước đây, dân quân biển của Trung Quốc thuê tàu từ các công ty hoặc của ngư dân. Nhưng giờ Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng có vẻ Trung Quốc đang xây dựng một đội tàu cá thuộc nhà nước để hoạt động như dân quân trên biển.

Trên thực tế, ông Neill cho rằng nhiều tàu chỉ “giả mạo là tàu cá, nhưng thực sự chúng đang làm công việc của lực lượng hải quân và giám sát trên biển đối với các đối thủ của Trung Quốc”.

“Trên giấy tờ, chúng trông giống các tàu đánh cá hiện đại và phức tạp. Nhưng thực sự chúng là các tàu quân sự, vỏ thép chứ không phải vỏ gỗ, với trọng tải ngày càng lớn”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ viết.

“Nếu nhìn vào các bức ảnh, rõ ràng là chúng thuộc một mạng lưới vì năng lực gửi tín hiệu, nhận điều hành thường xuyên từ bộ chỉ huy và mạng lưới điều khiển”, báo cáo đánh giá.

Hạm đội tàu cá có thể tạo nên mạng lưới phòng thủ tuyến đầu và cấp thấp hoặc giam sát, nghĩa là lực lượng quân sự hoạt động trong vỏ bọc dân sự.

“Một số lượng đáng kể thuộc đội tàu cá Trung Quốc đang tham gia vào lực lượng dân quân”, ông Neil nói.

Trung Quốc không chỉ tìm thấy UUV mà họ cũng sử dụng loại thiết bị này.

Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, HSU001 – loại UUV cỡ lớn, có thể phóng ra các thiết bị không người lái cỡ nhỏ hơn, được trình làng.

Trước đó 5 tháng, một mẫu UUV Trung Quốc khác được giới thiệu theo cách ít chính thức hơn. Một số ngư dân Indonesia vớt được một “tên lửa” có chữ Trung Quốc trên quần đảo Riau.

“Nó không phải tên lửa mà thiết bị lặn không người lái, thường được dùng để nghiên cứu dưới biển”, cảnh sát Indonesia cho biết.

Dù nguồn gốc thiết bị này chưa được xác nhận, các chuyên gia nghi ngờ nó là một phần của mạng lưới giám sát dưới biển rộng khắp của Trung Quốc, còn gọi là “Vạn lý trường thành dưới biển của Trung Quốc”.

Khi công nghệ UUV phát triển, các ngư dân sẽ còn vớt được nhiều thiết bị hơn nữa.

“Những thiết bị như vậy mở rộng năng lực giám sát cho tất cả những hải quân hiện đại ở khu vực”, ông Neill nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại