Đặt ra tình huống để dạy con biết cách nói 'không'
Học cách từ chối và nói “không” được coi là một kỹ năng cần thiết. Trước hết, biết từ chối cũng là sống thật với lòng mình, nói ra chính kiến và suy nghĩ của bản thân.
Ngại từ chối vì “cả nể”
Ngay từ lúc bước vào trường mầm non, tiếp xúc với bạn bè cho đến lúc trưởng thành và vào đời, nghệ thuật nói lời từ chối sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của một con người. Đặc biệt là trong cuộc sống hiện nay, giới trẻ phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ như thuốc lá, ma tuý, rượu bia...
Chắc hẳn, bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng gặp những trường hợp dù bản thân không muốn, nhưng vẫn chấp nhận lời đề nghị của người khác. Dù thật sự muốn từ chối, nhưng nhiều người ngại khi phải nói “không”. Nguyên nhân là do chúng ta sợ làm mất lòng người khác, hoặc phá hỏng hình tượng của bản thân.
Nếu tình trạng này kéo dài, chúng ta sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức vào những việc mà bản thân không thích. Thậm chí, bị người khác lợi dụng. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần rèn luyện kỹ năng từ chối để không làm mất lòng đối phương.
Để từ chối khéo léo, điều quan trọng là cần sử dụng những nghệ thuật về nắm bắt tâm lý người khác, lựa chọn thời điểm từ chối, thái độ từ chối phù hợp…
Kỹ năng từ chối là hành động một người sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ đúng mực để nói “không” trước những trường hợp không thể chấp thuận lời đề nghị của đối phương, nhưng không làm mất lòng của họ. Thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng luôn luôn đồng ý với lời đề nghị của người khác. Không chỉ người lớn, mà trẻ cũng sẽ gặp phải những tình huống cần nói “không”.
Tuy nhiên, việc mở lời từ chối trong giao tiếp là điều không hề dễ. Đặc biệt, với những người kém hoạt bát, điều đó càng khó. Đôi khi, trẻ không thể từ chối vì sợ người khác buồn, hoặc lo mọi người nghĩ mình ích kỷ và thiếu hòa đồng. Trong nhiều khảo sát thực tế, các chuyên gia cũng đã rút ra kết luận rằng, lý do khiến chúng ta khó có thể từ chối người khác đến từ nỗi sợ và sự nể trọng.
Ngoài vấn đề giáo dục nhân cách và đạo đức cho trẻ thông qua việc dạy bé biết từ chối, những nguyên tắc đó cũng giúp trẻ tự tin hơn. Đồng thời, trẻ cũng sẽ biết từ chối những yêu cầu của người lạ. Đây là một yếu tố đảm bảo sự an toàn cho trẻ khi không có cha mẹ hay người lớn đi kèm.
Trẻ cần biết nói “không” với những điều mình không muốn. Ảnh minh họa.
Từ chối lịch sự
TS Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn) - tác giả của hai cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim” và “Đọc Ehon cho bé”, từng chia sẻ câu chuyện về con mình: “Hôm qua, trong bữa ăn mình thấy có miếng thịt ngon nên gắp bỏ vào bát Bon. Bon nhăn mặt lại: “Sao mẹ cứ tự ý gắp cho con thế nhỉ? Mẹ đã hỏi con chưa mà cứ tự ý gắp rồi bắt con ăn”.
Mình biết lỗi sai nên nhẹ nhàng bảo Bon: “Ồ mẹ xin lỗi vì chưa hỏi ý kiến con mà đã tự ý gắp bỏ vào bát con rồi. Tại mẹ thấy có miếng thịt ngon nên mới gắp cho con vì nghĩ con thích ăn, và mẹ yêu con mẹ mới làm vậy mà””.
“Nhưng con không thích ăn”.
“Nếu con không thích ăn thì con có thể từ chối lịch sự là: “Mẹ ơi con không muốn ăn. Mẹ đừng tự ý gắp vào bát con. Mẹ hãy hỏi con trước khi gắp nhé”. Đây là thành ý của mẹ. Nếu như con không thích thì cũng nên học cách từ chối lịch sự và tỏ lòng trân trọng những gì người thân làm cho mình mà”.
Theo TS Thu, việc dạy trẻ từ chối một cách lịch sự cần được hướng dẫn ngay trong gia đình, thông qua các hoạt động liền mạch, xuyên suốt. Chị nhận định, trong gia đình Việt Nam, câu chuyện tương tự như trên thường xuyên xảy ra. Trong văn hoá của người Việt, ông bà bố mẹ lúc nào cũng chỉ muốn dành những gì ngon nhất, tốt nhất cho con cháu. Do đó, họ thường “tiện tay” gắp thức ăn bỏ vào bát con, cháu. Hoặc, luôn nhường cho con cháu những gì ngon nhất.
“Tuy nhiên, những việc nhỏ hằng ngày đó lặp đi lặp lại trở thành một thói quen và quan niệm. Đó là ông bà và bố mẹ có quyền áp đặt mọi thứ lên con cháu. Ông bà, bố mẹ đã dành mọi thứ tốt nhất cho con thì con phải biết nghe lời. Đây là những thứ ngon nhất ông bà bố mẹ gắp cho thì phải ăn chứ, từ chối là hư”, TS Thu chia sẻ.
Song, theo chị, mỗi thời đại mỗi khác. Trong quá khứ, khi cuộc sống khó khăn, việc được nhường một miếng thịt cũng là đặc ân, khiến trẻ biết ơn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ ngày nay được sinh ra trong điều kiện đời sống vật chất tốt, nên thường sợ bị ép ăn.
“Đương nhiên, việc được ông bà, bố mẹ tự ý gắp đồ ăn bỏ vào bát chẳng khác nào là sự áp đặt, ép buộc bắt trẻ phải tuân theo. Chúng sẽ đặt câu hỏi tại sao ông bà/ bố mẹ không hỏi ý kiến con mà cứ tự ý làm thế nhỉ. Có lẽ suy nghĩ đó là rất bình thường của một đứa trẻ có tư duy độc lập và phản biện. Vì thế nếu con bạn có hỏi vặn lại như vậy thì có lẽ cũng không sai. Chúng ta cần nhìn lại cách mình thể hiện tình yêu với con trẻ đã phù hợp với thời đại hay chưa? Việc chúng ta vẫn vô tư dùng lại chính cách ứng xử mà ngày xưa chúng ta được nuôi dạy để làm theo bản năng, ứng xử với con mình liệu có còn phù hợp hay không?”, TS Thu bày tỏ.
Theo TS Thu, có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu và sự quan tâm với con trẻ. Đầu tiên, phụ huynh cần để trẻ cảm thấy được tôn trọng thông qua việc hỏi ý kiến của chúng trước khi làm điều gì đó, như: Gắp thức ăn, đi giày dép, mặc quần áo…
Đồng thời, hãy cho trẻ cơ hội để quan tâm và chăm sóc lại chính ông bà cha mẹ và người thân. Một số hành động bao gồm: Gắp thức ăn mời lại ông bà, chia sẻ với ông bà bố mẹ, lễ phép, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, trông em. Thay vì trẻ chỉ thường xuyên ở tâm thế nhận, cha mẹ hãy cho con mình cơ hội để cho đi và làm điều gì cho ai đó.
Phụ huynh cũng cần dạy trẻ biết trân trọng những hành động và cử chỉ khi người khác quan tâm đến mình. Ví dụ, con hãy biết trân trọng tình cảm bố mẹ dành cho mình. Bởi, bố mẹ muốn con được ăn những món ngon, những gì phụ huynh cho là tốt nhất. Học cách từ chối lịch sự nếu con không muốn ăn, nhưng hãy nhận lại thành ý.
“Có thể có nhiều người không đồng ý với việc dạy con từ chối không nhận thức ăn bố mẹ hay ông bà gắp cho. Nhưng dạy con trẻ học cách từ chối và nói không cũng là một kỹ năng cực kỳ cần thiết. Đầu tiên, đó là dạy trẻ biết sống thật với lòng mình nghĩ, biết nói ra chính kiến và suy nghĩ của bản thân. Đó cũng là một sự dũng cảm. Nếu từ nhỏ trẻ chỉ luôn biết sống với sự dạ vâng, đồng ý, thì càng lớn trẻ sẽ càng không có khả năng từ chối”, TS Nguyễn Thị Thu cho biết.
Từ chối là cách trẻ thể hiện chính kiến và suy nghĩ. Ảnh minh họa.
Cứu trẻ khỏi cạm bẫy
Theo nữ phụ huynh này, từ chối là một kỹ năng sống cần thiết. Ngoài ra, việc trẻ dám nói “không”, từ chối còn là một kỹ năng sống rất cần thiết trong xã hội đầy cám dỗ. Nếu bạn bè rủ rê con làm điều xấu như trộm cắp, dùng ma tuý, chơi điện tử dẫn đến nghiện game, xem những video độc hại… thì quen biết từ chối thẳng thừng, nói “không” với những cái mình không muốn, sẽ là một kỹ năng cứu trẻ khỏi những cạm bẫy đó.
“Có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy đến với những đứa trẻ ở độ tuổi teen và bắt đầu vào đại học - khi bắt đầu bung ra khỏi vòng vây kìm kẹp của gia đình. Chúng dễ dàng bị sa ngã, cuốn theo những lời dụ dỗ, rủ rê của bạn bè làm những điều xấu. Một trong những nguyên nhân đó là trẻ không được dạy kỹ năng từ chối”, TS Thu nhận định.
Đôi khi, trẻ có thể không thích làm những hành động bạn rủ, nhưng sợ nếu từ chối, bạn không chơi với mình nữa, hoặc bị dọa. Không ít trẻ có suy nghĩ này và tặc lưỡi nhắm mắt làm theo bạn với suy nghĩ: “Chỉ làm theo một lần thôi”. Song, nếu có một lần, sẽ có lần tiếp theo. Đó là quy luật chung để dẫn những đứa trẻ đi vào con đường sa ngã.
Trái lại, những đứa trẻ học được cách nói “Không, tớ không thích” mà không sợ phải nhìn sắc mặt hay thái độ bạn bè, chúng sẽ không dễ dàng bị dụ dỗ. Theo TS Nguyễn Thị Thu, trong quá trình để trẻ học được cách từ chối ấy, phụ huynh cần sát sao và đồng hành cùng con ở giai đoạn mầm non và tiểu học.
“Đừng sợ con bạn bướng quá khi chúng từ chối, hãy vui mừng vì chúng biết từ chối mới phải. Nhưng học cách từ chối sao cho lịch sự, nhân văn là cả một nghệ thuật. Hãy bắt đầu từ chính mình bố mẹ nhé, hãy học thói quen từ chối khi bản thân mình không thích”, TS Nguyễn Thị Thu chia sẻ.