Xét đến cùng, phận vợ phận chồng thì chính ra đàn bà mà thích ngọt ngào nhẹ nhàng âu yếm, thì đàn ông lại càng thích tợn, đó mới là sự thật.
Nhưng để có thể khiến người ta cảm nhận và thấy trân trọng sự ngọt ngào ấy và vì sự ngọt ngào ấy mà không ngừng cống hiến hi sinh cho vợ, thì còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ kiên nhẫn của các chị nhà, kiên trì nhờ vả, kiên trì không tự ái, kiên trì thể hiện tình yêu thương một cách “thẳng thắn”...
Trong thế giới văn hóa mà người ta hay gọi là đẳng cấp sống của người Thụy Điển có một khái niệm thân thuộc được gọi là lối sống Lagom – lối sống vừa đủ.
Bạn có bao giờ thấy mấy cái meme (*) trên facebook dịch các câu nói lịch sự của người Anh? Người Thụy Điển không hề như vậy, họ không cần đến những câu nói lịch sự xã giao.
Họ giao tiếp bằng sự chân thành và mở lòng chia sẻ. Nhưng thế nào là chân thành theo nghĩa của người Thụy Điển?
Người Thụy Điển không bao giờ lãng phí thời gian che giấu những thứ họ muốn nói, cũng như nói vòng vo bằng những lời có cánh.
Có một cách tiếp cận ngôn ngữ ở người Thụy Điển là “có sao nói vậy” cho dù họ không mấy khi nói quá nhiều về mình, nhưng nếu bạn hỏi “Cậu thế nào rồi?” thì bất kỳ người Thụy Điển nào bạn gặp họ cũng sẽ dừng lại nói thật chi tiết cho bạn rằng, họ thật tình đang cảm thấy thế nào và vì sao.
Ở đây có một sự khác nhau mong manh giữa than vãn kể lể về bản thân, với sự chia sẻ chân thành của nội tâm như thế này...
Thực ra bản năng đàn ông là yêu thương và bảo vệ phụ nữ, đàn ông họ thà chịu cực mà vợ họ vui vẻ tươi cười, trân trọng, thừa nhận, tôn sùng họ còn hơn việc họ phải chịu đựng một cô vợ khó ưa, suốt ngày kể công nhấm nhẳng, than vãn, lẩm bẩm, hay chê bai...
Nhưng thực tế là vẫn luôn có một nhóm những người phụ nữ rất thích đóng vai nạn nhân, đồng thời là bà mẹ “ghẻ” trong mối quan hệ vợ chồng.
Hoặc lắm khi phải công nhận rằng phụ nữ là “giống loài” khó tả, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam chúng ta có sức chịu đựng một cách dẻo dai.
Có lẽ đó vừa là điểm mạnh cũng vừa là điểm yếu của chúng ta. Nó khiến cho chúng ta quen chịu đựng nhiều hơn, nhiều hơn một chút nữa, một chút thôi mà.
Cho đến khi không còn biết tới ranh giới của sự nhẫn nhịn và không còn biết cách thể hiện nội tâm.
Chính lúc ấy mọi ấm ức, bực dọc vốn được tích lại theo năm tháng, những âm thầm không chịu nói ra, nhưng lúc nào cũng yêu cầu ai cũng phải hiểu về mình.
Cái sự tủi thân ấy, lâu ngày nó biến thành một dạng tính cách: nạn nhân thấy mình là người quá khổ hi sinh bao nhiêu mà không được việc gì, chưa kể còn luôn căng thẳng khó chịu với chính mình và thế giới xung quanh.
“Con không biết vì con mà mẹ...”, “Anh có biết...”.
Cho đến một ngày được nói thì họ nói ra cả tràng. Thay vì nói “Anh biết không, câu nói vừa rồi của anh thực sự khiến em tổn thương”, lại nói thành “Anh là thằng điên, anh chỉ biết suốt ngày..., anh đừng có...”
Vẫn còn nhiều thứ phải nói về sự ngay thẳng theo quan điểm của Lagom, việc quá lịch sự, hay im lặng, hay chỉ trích đối phương đều là những cách không ổn.
Một cách lịch thiệp nhưng ngắn gọn để nói thật, đó là chúng ta nói về những điều chúng ta thực sự cảm thấy, người ta sẽ thấu hiểu, tôn trọng bạn vì điều đó.
“Hôm nay vợ đuối quá, chồng nấu cơm nhé”. Còn kiểu chồng thuộc dạng sự nghiệp ngời ngời nhưng không biết nấu ăn, không thích vào bếp thì lại thủ thỉ “Nếu không chồng mua giúp em bát bún ngan là được, em mệt nhưng lại thấy thèm”.
Chứ đừng có suốt ngày sang sảng “Chằng nhờ anh được cái gì, thôi anh cũng không biết nấu đâu, tôi tự đi mua cho nhanh” thế thì chết, chết thật, quá mất điểm.
Muốn thúc đẩy bất cứ ai làm gì, thì mình phải thay đổi thái độ của mình trước đã. Học cách nhờ vả dựa dẫm nhờ chồng.
Có cảm giác cảm xúc gì thì nói ra, nhưng thay vì nói “Sao anh lười thế”, vì người ta sẽ nghĩ là “Ờ cô nói tôi lười ý gì, tôi lười luôn cho cô xem, quá chính xác không cần phải cãi”.
Vậy hãy thử thay đổi cách nói “Chồng ơi, em mới quét nhà xong mệt quá, chồng phụ em lau tầng 1 để em lau tầng 2-3 nhé”.
Cường độ cứ thế tăng dần đều. Chàng làm được gì thì mình lại thể hiện sự thừa nhận cảm kích cái đó dù là một việc nhỏ nhất.
Hôn nhân nó cũng như chương trình tập huấn quân sự vậy, cũng cần một người kiên nhẫn đầy yêu thương huấn luyện một chàng trai trẻ trở thành một người đàn ông trưởng thành và có bản lĩnh.
Điều đó phụ thuộc vào độ kiên nhẫn thẳng thắn, và mềm mỏng nhưng chân thành của chúng ta.
Đừng đổ lỗi đừng trách móc, đừng phán xét, đòi hỏi, mà hãy mềm mỏng, nữ tính, yếu đuối, và biết dựa dẫm một cách thẳng thắn - chân thật và vừa đủ.
Con người ta như những cái cây dù đã lớn và trưởng thành vẫn cần thay lá. Nó là quá trình chúng ta liên tục hoàn thiện bản thân để đến khi già rồi, ít nhất cũng không phải hối hận vì mình đã sai rất sai khi còn trẻ.
Hãy tin chính mình, và tin vào những điều bạn còn có thể học hỏi.
Như khi tập cách nói chuyện Lagom, hãy lùi lại một bước để đón nhận lợi ích của việc học cách lắng nghe, không chỉ lắng nghe người khác mà còn yên lặng để thực sự lắng nghe những điều mình cảm thấy trong chính mình.
Nó cũng chính là một quá trình chúng ta ngay thẳng với bản thân và người khác, mà không làm tổn thương đến bất kì ai.
Tham khảo nội dung từ cuốn sách Lagom - Vừa đủ - Đẳng cấp sống của người Thụy Điển tác giả Linnea Dunne
*Meme có thể hiểu là những khoảnh khắc ấn tượng hoặc hết sức bình thường vô tình được chụp lại, quay lại,…và sau đó chúng trở thành một trào lưu khi mà ai ai cũng sử dụng chúng thay cho lời bản thân muốn nói trên internet.