Theo hãng tin TASS và đài RT của Nga, hoạt động kỷ niệm trên được tổ chức ở Quảng trường cung điện tại Saint Petersburg.
Cuộc diễu binh được khởi động với một phút mặc niệm để tưởng nhớ những dân thường và binh lính đã thiệt mạng trong cuộc bao vây.
“Cuộc bao vây Leningrad là một trong những sự kiện chiến lược và anh dũng nhất của cuộc Chiến tranh thế giới II", Tướng Aleksandr Zhuravlev - chỉ huy cuộc diễu binh - nói.
Các binh sỹ tham gia diễu binh.
Tiếp sau đó, học viên của các học viện quân sự trong trang phục Hồng quân Liên Xô những năm 1940 đã bắt đầu mang các vũ khí có từ thời Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nga (1941-1945) diễu hành qua Quảng trường cung điện.
Hình ảnh tại cuộc diễu hành.
Trong số các vũ khí được huy động tham gia cuộc diễu binh có mẫu xe tăng huyền thoại thời Xô viết T-34 nổi tiếng; các hệ thống pháo binh và hệ thống tên lửa đa nòng Tornado; xe chiến đấu bộ binh BMP-3, xe bọc thép Tigr, UAZ, Taifun; xe tăng T-72B3, xe chiến đấu bọc thép BTR-82A; hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và hệ thống tên lửa Iskander-M.
Khí tài được huy động.
Đây là lần đầu tiên Nga tổ chức cuộc trình diễn các loại vũ khí hạng nặng thời chiến và hiện đại tại thành phố lớn thứ hai của nước.
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko, Quyền thống đốc St. Petersburg Alexander Beglov và Chỉ huy Hải quân Nga Vladimir Korolev đã tham dự cuộc diễu binh.
Cuộc bao vây Leningrad (nay là St. Petersburg) bắt đầu vào ngày 8/9/1941 và kéo dài trong 872 ngày.
6 máy bay chiến đấu MiG-29 tham gia diễu binh.
Thế bao vây được phá vỡ ngày 18/1/1943, trong khuôn khổ chiến dịch quân sự chiến lược Iskra (Tia lửa) – một phần của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống lại Đức Quốc xã. Thành phố Leningrad được giải phóng hoàn toàn vào ngày 27/1/1944.
Chiến dịch giải phóng thành phố này là cuộc phòng thủ dài ngày nhất của Hồng quân Liên Xô và là trận đánh có thương vong cao nhất trong toàn bộ Chiến tranh Xô - Đức. Đây cũng là thành phố duy nhất trong lịch sử thế giới từng bị bao vây đến gần 900 ngày.
Trong thời gian này, khoảng 3 triệu người dân thành phố đã phải sống trong cảnh bị cắt mọi nguồn cung thực phẩm, điện, nước. Hơn 800.000 người dân ở thành phố đã vĩnh viễn nằm xuống vì đói rét, bệnh tật hoặc đạn pháo. Một số ước tính cho rằng số người thiệt mạng trong vụ việc lên đến 1 triệu người.
Ngoài ra, gần 34.000 người cũng đã bị thương và 1,7 triệu người đã phải sơ tán.