Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, năm nay, giới nghệ sĩ từ Nam ra Bắc lại tổ chức lễ giỗ Tổ ngành sân khấu vô cùng long trọng, kéo dài từ ngày 6 đến ngày 8/9, nhằm 11, 12, 13 tháng 8 âm lịch.
Tuy mỗi người mỗi cách, mỗi sân khấu một hình thức tổ chức khác nhau nhưng tất cả đều bày tỏ lòng thành kính với lễ vật trang trọng nhất như một cách báo cáo với Tổ nghiệp về năm qua cũng như nguyện cầu được Tổ thương, khán giả thương, công việc đều đặn trong năm tới.
Nhân dịp này, đạo diễn Hoàng Mập đã có những chia sẻ ý nghĩa với chúng tôi về ngày đại lễ của những người làm nghệ thuật.
Tri ân Tổ nghiệp bằng việc làm thiện nguyện
Sau 2, 3 năm bị gián đoạn vì dịch bệnh, năm nay lễ cúng Tổ nghề sân khấu trong cả nước diễn ra rất hoành tráng. Anh chuẩn bị những gì cho lễ giỗ Tổ nghề năm nay?
Cách đây nhiều tháng, tôi đã cùng Luân Nguyễn về Vĩnh Long "tiền trạm" sau khi địa phương gửi cho chúng tôi danh sách một số hộ gia đình nghèo. Bởi vì nhóm anh em chúng tôi muốn xây nhà tình thương tặng họ. Sau đợt đó, chúng tôi chọn xây 4 căn nhà. Ngày 7/9 cũng là ngày chính lễ của giỗ Tổ ngành sân khấu, anh em tôi về trao 4 căn nhà đó.
Tiền xây nhà tình thương này là của một số anh em thân thiết cùng nhau đóng góp nên không cần sao kê, chứng minh với ai cả. Anh em chúng tôi góp được bao nhiêu thì xây từng đó căn nhà. Thiếu tiền thì Luân Nguyễn sẽ bù thêm để xây cho xong nhà, tặng bà con.
Tôi nghĩ, Tổ ở trong tim mình. 1 năm 365 ngày, tôi đều đốt nhang, trưng hoa cúng trái cây chứ không riêng ngày nào. Cũng không cần phải lấy lý do cúng Tổ, giỗ Tổ để làm lớn, làm rần rần.
Ngày xưa, lúc anh Hữu Nghĩa còn tổ chức cúng Tổ tại nhà thì tôi sẽ về nhà anh Nghĩa. Những năm sau này, anh Hữu Nghĩa đi sân khấu này, sân khấu kia cúng Tổ thì tôi về trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Tôi không đi cúng ở các sân khấu. Tôi nghĩ, mỗi sân khấu là một mái nhà của những người diễn ở đó. Mình không diễn ở đó, mà về thì ngại. Kể cả phim trường, các công ty truyền thông mời nhưng tôi cũng không đi.
Mỗi người một suy nghĩ, mỗi người một cảm nhận, tôi không dám nói, ai đúng ai sai. Cá nhân tôi, mỗi năm giỗ Tổ, tôi đều đi làm từ thiện, làm các đêm trung thu cho trẻ em ở nhà mở hoặc các địa phương. Đó cũng là một cách mình tri ân Tổ nghiệp, đem niềm vui tới cho mọi người.
Việc anh làm từ thiện trong dịp giỗ Tổ xuất phát từ năm nào và cơ duyên gì khiến anh chọn cách tri ân Tổ nghiệp đặc biệt như vậy?
Rất nhiều năm rồi, cứ đến dịp giỗ Tổ nghề là tôi đi làm từ thiện, ít hay nhiều tùy vào khả năng tài chính của mình. Có những năm, tôi kêu gọi bạn bè, tổ chức. Có những năm, tôi thấy bạn bè, em út làm thì mình phụ, đi trao quà, làm chú Cuội hát hò, nhảy nhót cho các em vui.
Ví dụ năm nay, Luân Nguyễn tổ chức. Luân Nguyễn có quỹ Trái tim hồng do bạn bè, anh em đóng góp với nhau, chứ không công bố, không kêu gọi thì tôi đi phụ Luân Nguyễn làm.
Tôi chỉ cúng hoa, bánh trái
Ngoài từ thiện, anh còn thường làm gì nhân ngày Tổ nghề?
Tại nhà riêng, tôi có bàn thờ Tổ, bàn thờ cố nghệ sĩ Thanh Nga, bàn thờ một người bạn thân học cùng trường Sân khấu ngày xưa. Cho nên, vào ngày 11 âm lịch tháng 8 hàng năm, trước chính giỗ Tổ 1 ngày, tôi thường cúng chay: đốt trầm hương, trưng hoa, trái cây, bánh trung thu…
Tôi không cúng gà, heo chỉ cúng hoa và bánh trái. Mỗi người đều có tính hướng thiện nên cứ sống và làm việc theo trái tim mình thôi.
Kế hoạch, công việc trong thời gian tới của anh thế nào?
Tôi vẫn sản xuất phim đều đều. Từ nay tới Tết, tôi sẽ sản xuất phim "Điệp khúc phù sa", để anh em ê-kíp có tiền xài Tết. Đó là tâm niệm của tôi thôi.
Sau dịch, tôi cảm giác cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản hơn, không bon chen, giành giật, không ham hố tiền bạc mua đất đai hay gì hết.
Tới ngày nay, mỗi sáng mình còn được thức dậy ngắm bình minh lên, uống cà phê, nhìn cuộc đời tươi đẹp, giỡn với con cái, nhìn gia đình vui vẻ, đầy đủ là hạnh phúc rồi. Cuộc đời mà, mình thấy vui là vui, thấy đủ là đủ. Còn kiếm tiền biết như nào mới toại nguyện.
Còn mục tiêu gần nhất của tôi là cuối tháng 9 này sẽ ra Hà Nội thi tuyển đầu vào lớp thạc sĩ nghệ thuật.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!